10:17 30/07/2009

Đề xuất 3 phương án điều hành giá xăng dầu

Từ Nguyên

Một loạt các phương án điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới vừa được Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, các phương án được đưa ra đều có ưu nhược điểm, do đó để chọn một phương án tối ưu là một việc hết sức khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, các phương án được đưa ra đều có ưu nhược điểm, do đó để chọn một phương án tối ưu là một việc hết sức khó khăn.
Một loạt các phương án điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới vừa được Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ.

Bao trùm lên các phương án chính là quan điểm đảm bảo việc quản lý kinh doanh xăng dầu vừa được vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện quyền tự chủ về giá và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời vẫn đảm bảo được vai trò quản lý của Nhà nước về giá hướng vào việc khắc phục tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh cũng như bảo vệ được người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một trong những mục tiêu quan trong nhất của phương án điều hành giá xăng dầu được lựa chọn là phải đảm bảo bình ổn giá, ngăn ngừa tác động tự phát của giá thị trường thế giới vào hệ thống giá trong nước, chống lại được tình trạng “neo giá” cao quá lâu khi giá thế giới giảm cũng như tạo được một sự linh hoạt giá khi các chi phí đầu vào giảm mạnh.

Trên cơ sơ đó, Bộ Tài chính đã đưa ra 3 phương án liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn cần đến sự điều tiết của Nhà nước.

Phương án 1: Thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối phải tham gia bình ổn giá ngay từ trước khi điều chỉnh giá. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp giá có biến động bất thường.

Đối với phương án này, Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể đối với từng trường hợp tăng giảm khác nhau.

Trường hợp điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Trong trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng đến 3% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp đầu mối phải giữ ổn định giá bán lẻ.

Tuy nhiên, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá tăng từ 3% đến 12% thì doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ nhưng mức tăng không được quá 50% của mức tăng giá cơ sở. Thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá là 10 ngày.

Trong trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp đầu mối được quyền được quyền tăng giá 50%, phần còn lại phải đăng ký với cơ quan quản lý nếu muốn tăng cao hơn.

Tuy nhiên, sau 3 lần tăng giá liên tiếp, giá tiếp tục tăng trên 12%  hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến nền kinh tế và người tiêu dùng thì Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa các lần giảm giá và số lần giảm giá sẽ không hạn chế.

Ngoài việc được điều chỉnh theo quy định trên, doanh nghiệp đầu mối cũng sẽ được trích một khoản trước thuế thu nhập từ giá bán lẻ để hình thành quỹ bình ổn giá.

Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra, đó là thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối được phép điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 10%. Trên mức này, doanh nghiệp được phép điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá. Nhà nước cũng chỉ can thiệp khi giá có biến động bất thường, tạo khả năng cân bằng tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp.

Với phương án này, trong trường hợp giá vốn tăng dưới 10%  thì doanh nghiệp đầu mối chủ động quy định giá, Nhà nước sẽ giám sát tính hợp lý khi điều chỉnh.

Nếu giá vốn tăng trong khoảng 10 – 15%  thì doanh nghiệp được điều chỉnh tăng 60% của mức tăng của giá vốn. Phần còn lại sẽ được bù đắp bởi quỹ bình ổn giá. Nếu tăng trên 15%, Nhà nước sẽ can thiệp bằng những biện pháp thích hợp. Với phương án này, thời gian tối thiều giữa hai lần tăng là 20 ngày.

Đối với trường hợp giảm giá cũng được áp dụng tương tự như phương án 1.

Phương án 3 cũng tương tư với phương án 2,  chỉ khác là biên độ tăng được tính từ 7 - 12%.  Cụ thể, thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 7%, trên mức này, doanh nghiệp được phép điều chỉnh có mức độ, phần vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, các phương án được đưa ra đều có ưu nhược điểm, do đó để chọn một phương án tối ưu là một việc hết sức khó khăn. Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, pháp lý vẫn đang được hoàn thiện, nguồn cung vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu mà giá xăng dầu thế giới lại biến động và tiềm ấn những tác động bất ổn thì lại càng khó cho cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.