Thủ tướng: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải khánh thành vào 2021
Thủ tướng yêu cầu cung ứng đủ vốn, kịp thời cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
"Tôi hy vọng sau cuộc họp này thì chỉ còn nghe về những đơn vị, con người kiên cường thi công để bảo đảm tiến độ, không còn phải nghe về những ách tắc, khó khăn như vừa qua vướng phải".
Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành và tỉnh Tiền Giang nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, sáng 30/7.
Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe các ý kiến về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc cũng như giải pháp tháo gỡ, phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế, chính trị của tuyến đường này khi Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm gồm 13 tỉnh với hơn 20 triệu dân chỉ có một tuyến duy nhất.
Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì với các bộ liên quan nghiên cứu một tuyến đường sắt tốc độ cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long "chứ không chỉ có một tuyến đường bộ", chưa kể hệ thống giao thông đường thủy, hệ thống logistic cần được phát triển tốt hơn, các cảng biển ở khu vực này được đề cập rõ nét hơn để tạo điều kiện cho Đồng bằng sông Cửu Long cùng với cả nước phát triển. Người dân rất mong chờ tuyến đường này và thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy dự án.
Thủ tướng nêu rõ với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.
Về tiến độ, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cơ bản thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021. Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì chất lượng là vấn đề đặt ra hàng đầu, không phải vì thúc đẩy tiến độ mà "làm trước hỏng sau, để người dân kêu ca, phàn nàn, do thất thoát, do không giám sát, do thi công cẩu thả, do thiết kế không có tính toán…".
Về những thủ tục có liên quan đến thẩm định thiết kế, thiết kế cơ sở, đơn giá vật liệu, tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, cơ quan liên quan họp để thống nhất giải quyết dứt điểm trên cơ sở pháp lý. Phải xử lý nhanh những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, mà trước hết là phê duyệt tổng mức đầu tư.
Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng hoan nghênh Tiền Giang đã tích cực triển khai và hiện đã giải phóng được 99,4%, chỉ còn mấy chục hộ, đồng thời đề nghị tỉnh tập trung hoàn thành nốt công tác này trên cơ sở giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân để có mặt bằng sạch, thi công liên tục.
Thủ tướng gửi gắm, lưu ý công trình này với "9 từ" là bảo đảm "tiến độ", "chất lượng", hiệu quả", không "tham nhũng", "tiêu cực", "công khai", "minh bạch", "trách nhiệm giải trình".
Thủ tướng nhấn mạnh, các đơn vị tập trung phương tiện, thiết bị thi công với tiến độ hợp lý, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Ngân hàng có trách nhiệm cung ứng đủ vốn, kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp tốt hơn nữa, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý liên tục để bảo đảm công việc thông suốt. Hằng tháng, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng tiến độ cũng như các công việc có liên quan tới dự án.
Được biết, hôm 24/7 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp với chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tại cuộc họp đó, các ý kiến đều tỏ ra không mấy lạc quan về tiến độ dự án và nguy cơ "vỡ trận" là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Mạnh Hồng cho biết, hiện Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 2.186 tỷ đồng để giải ngân cho dự án năm 2019 - 2020.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối Tiền Giang - Vĩnh Long là tuyến huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Tp.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Được khởi công vào tháng 11/2009, sau 5 năm giậm chân tại chỗ, đến tháng 2/2015 dự án được tái khởi động và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 2/2020. Ngay sau khi tái khởi động, dự án lại gặp khó, đặc biệt là phương án tài chính bị phá vỡ. Cụ thể là lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.