Thủ tướng: Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải trở thành đại học hàng đầu thế giới về nông nghiệp
Ngày 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam...
Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê đuyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025"; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".
ĐỊNH VỊ NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỚI
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua, được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý.
Đồng thời, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, người lao động của Học viện trong hơn 2 năm phòng chống dịch vừa qua; đề nghị quyết liệt, tích cực triển khai việc tiêm vaccine trong Học viện.
Theo Thủ tướng, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề như nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất thấp; hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mất cân bằng sinh thái đã và đang ảnh hưởng đến tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và ven biển…
Chia sẻ với những phát biểu đầy trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng đất nước ta trải qua nhiều năm chiến tranh, bị tàn phá nặng nề, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả.
"Đổi mới là một quá trình, do đó, không thể giải quyết trong 'một sớm, một chiều' tất cả các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển. Những vấn đề đó đặt ra câu hỏi lớn là chúng ta phải định vị nền nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới đây như thế nào và định hướng nghiên cứu, giảng dạy nông nghiệp ra sao cho phù hợp với tình hình mới; chuyển đổi như thế nào để bắt kịp với thời đại, biến thách thức thành cơ hội?", Thủ tướng phát biểu và nhấn mạnh Đảng, Nhà nước ta luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ nhất trí với quan điểm phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm truyền thống với khoa học công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo.
HỌC VIỆN HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI VỀ NÔNG NGHIỆP
Thủ tướng đề nghị Học viện cần quán triệt các Nghị quyết Trung ương 5 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về kinh tế tập thể và về đất đai, cũng như Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Theo đó, thứ nhất, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỉ lệ giảng viên có trình độ cao. Các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về tự học và sáng tạo để sinh viên noi theo. Xác định nhà trường là nền tảng, sinh viên là trung tâm, thầy cô là động lực.
Đồng thời quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên của mình nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Quan tâm công tác phát triển đảng trong sinh viên.
Thứ ba, phải tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích để sinh viên học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, hoài bão, phát huy năng lực bản thân. Học viện phát huy và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong sinh viên và cả tập thể cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của Học viện; có các chính sách cụ thể khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các đoàn thể.
Đồng thời, cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và chăm lo đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn. Quan tâm bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để sinh viên chủ động, sáng tạo trong học tập và tham gia nghiên cứu khoa học.
Thứ tư, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học của Học viện tham gia vào thực tiễn phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo đa dạng với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nhằm bảo đảm chất lượng học viên đào tạo ra trường có năng lực, có việc làm.
MẠNH DẠN THÍ ĐIỂM NHỮNG VẤN ĐỀ CHƯA CÓ QUY ĐỊNH
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội đã cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của Học viện.
Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của Học viện về doanh nghiệp spin-off (khởi nguồn công nghệ), theo đó, sớm thực hiện thí điểm mô hình này tại Học viện, như cho phép cán bộ viên chức được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, cho phép các spin-off hợp tác sử dụng các tài sản chưa khai thác hết công suất để tăng nguồn thu cho cơ sở giáo dục; cho phép sử dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ để góp vốn vào các spin-off…
Đây là mô hình gắn kết giữa nhà trường với xã hội, nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đang áp dụng và thành công như ở Hà Lan, Mỹ, Australia… Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp spin-off là nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, để khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành sức mạnh vật chất, tạo thành của cải và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
"Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, đề nghị Học viện phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình hoàn thiện Nghị định", Thủ tướng cho biết. "Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, các đồng chí xây dựng đề án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các cơ quan tiếp tục xuống làm việc trực tiếp, cụ thể hơn với nhà trường để trao đổi, thống nhất, tìm phương án xử lý các vấn đề đặt ra, các kiến nghị của Học viện, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền và với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng mong muốn các thầy giáo, cô giáo, các chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên của Học viện phát huy truyền thống của một trường đại học anh hùng, thi đua giảng dạy, học tập, nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp thành công, để đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Trường ngày 24/5/1959 "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi".