Thủ tướng nêu 4 nhiệm vụ yêu cầu ngành ngân hàng đẩy nhanh số hoá gắn với an toàn và bảo mật
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng hoàn thành trước hạn mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản thanh toán vào cuối năm 2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý ngành ngành ngân hàng chưa ngăn được mã độc tống tiền ngày càng đang phổ biến...
Sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”.
Tại sự kiện, Thủ tướng biểu dương ngành ngân hàng đã đạt, vượt, tiệm cận nhiều mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số.
Đáng chú ý, đến nay, hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vượt mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản thanh toán vào cuối năm 2025 tại Quyết định số 1813 về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Qua báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay nhiều ngân hàng có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội tăng trưởng nhanh. Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng đang thể hiện vai trò tiên phong trong chuyển đổi số qua những con số khả quan.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VNĐ/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính & bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
“Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực Asean. Ngoài ra, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hang”, bà Hồng nói.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình chuyển đổi số, song Thủ tướng lưu ý ngành ngân hàng cần chú trọng thực hiện 4 nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, trong đó có Nghị định mới về Thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, thông tư hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng, Nghị định mới về Thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tổ chức triển khai ngày chuyển đổi số ngân hàng năm 2024 và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hang. Trong đó, tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội.
Thứ tư, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao, triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
"Hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế (hạ tầng cho thương mại 5G, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn...). Công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (Quý I/2024 đã ghi nhận gần 2,4 nghìn cuộc tấn công mạng). Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế. Còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin.
Thủ tướng chia sẻ và mong Ngân hàng Nhà nước cùng toàn ngành ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số".
(Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị)