18:45 25/07/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 6 nhiệm vụ trọng tâm để Long An hiện thực hóa quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050

Vân Nguyễn

Là địa phương thứ 10 trên cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch, Long An được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra 6 nhiệm vụ trong tâm cần thực hiện để sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh chúc mừng các doanh nghiệp được trao chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh chúc mừng các doanh nghiệp được trao chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là nội dung chính được các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh; tìm hiểu chủ trương, chính sách, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư… tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An được tổ chức vào sáng 25/07.

Đây là địa phương thứ 10 trên cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch, hướng tới mục tiêu đưa Long An sớm là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam.

“MỘT TRUNG TÂM - HAI HÀNH LANG - BA VÙNG KINH TẾ XÃ HỘI – SÁU TRỤC ĐỘNG LỰC”

Đánh giá cao Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, theo Quy hoạch được phê duyệt, Tỉnh sẽ phát triển theo mô hình “Một trung tâm - Hai hành lang - Ba vùng kinh tế xã hội - Sáu trục động lực”.

Trong đó, 1 trung tâm là thành phố Tân An; 2 hành lang gồm hành lang đường Vành đai 3, 4 và hành lang phát triển phía Nam; 3 vùng kinh tế - xã hội (vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái); 6 trục động lực (trục động lực vành đai 3, 4, trục động lực quốc lộ 50B, trục động lực song hành quốc lộ 61B, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, trục động lực quốc lộ N1 và trục động lực Đức Hòa).

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Long An sẽ hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Từ đó, phấn đấu tỉnh trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

TRIỂN KHAI 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An, Thủ tướng cơ bản đồng tình với ý kiến của các đại biểu và nhấn mạnh, Long An là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế ven biển; có thêm nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau hơn 35 năm đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh.

Theo Thủ tướng, Long An cần phát huy truyền thống, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển theo tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”; hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém mà Quy hoạch tỉnh đã nêu lên; phát huy lợi thế trung tâm kết nối; phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tự lực, tự cường đi lên từ nội lực của mình (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử); tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thứ nhất, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình “Một trung tâm - Hai hành lang - Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực”; chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Trong đó, cần tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia. Tập trung phát triển logistics, đóng vai trò trung chuyển cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản.

“Yêu cầu các địa phương rà soát lại, cắt bỏ các thủ tục rườm rà; không ban hành các văn bản, thủ tục làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ năm, chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề, phục vụ những ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. Chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, khai thác hiệu quả vai trò đầu mối giao thương, hợp tác với các địa phương của Campuchia.

“Nếu thực hiện tốt 6 nhiệm vụ này thì tôi tin chắc tỉnh Long An sẽ thực hiện được Quy hoạch vừa được công bố”, Thủ tướng khẳng định.

Cũng tại Hội nghị, đại diện tỉnh Long An đã giới thiệu 13 dự án ưu đãi đầu tư, đồng thời trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư FDI của tỉnh Long An trong năm 2022 đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố và đứng đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đến hết tháng 6/2023, thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Bắc Ninh) và tiếp tục đứng đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay, có gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.