12:14 06/07/2022

Thúc đẩy hợp tác công – tư trong xử lý nước thải, chất thải rắn

Vũ Khuê

Phương thức đối tác Công – Tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn được coi là một hướng đi triển vọng, nhờ nguồn lực dồi dào và sự năng động của khối tư nhân cùng tham gia cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, hướng đi này vẫn chưa được triển khai nhiều tại Việt Nam...

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh/thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày.

HỆ THỐNG XỬ LÝ CHẤT THẢI NGHÈO NÀN

Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tăng 10-16% mỗi năm. Tại các đô thị, tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở mức cao, khoảng 96,28% (Hà Nội 98,79%, TP.HCM gần 100%).

Đến nay cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt này vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (khoảng 71%). Trong khi việc đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn.

Theo nghiên cứu của World Bank, đối với chi phí xử lý rác thải rắn ở Việt Nam, hiện 75% là do Chính phủ đang tài trợ chi phí vận hành.

Đối với nước thải công nghiệp, năm 2021, Việt Nam có khoảng 846 khu đô thị, 290 khu công nghiệp, 697 cụm công nghiệp, hơn 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 20.310 trang trại chăn nuôi, trên 5.106 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, 4.575 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế... Hàng ngày số lượng các cơ sở này phát sinh khoảng 650.000 m3 nước thải công nghiệp.

Các nguồn thải công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000m3 có khoảng trên 60 cơ sở, nguồn thải có lưu lượng xả thải từ 200m3 tới 1.000m3 có khoảng 345 cơ sở.

Một con số nghèo nàn nữa, 88% trong tổng số 697 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 9% trong tổng số 290 khu công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tại toạ đàm “Mô hình hợp tác công tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 5/7, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ TN&MT đưa ra những thách thức, khó khăn trong xử lý chất thải.

Trước hết, do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp (trung bình suất đầu tư xử lý nước thải công nghiệp là 20.000.000 - 30.000.000 VNĐ/m3), trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục.

Đặc biệt, cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư… Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhập khẩu một số loại còn chưa phù hợp với thực tế.

Hơn nữa, chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn. Các địa phương lại đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau.

PHÁT HUY NGUỒN LỰC TƯ NHÂN TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% (theo Nghị quyết Đại hội XIII) trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn, từ 10-20 tỷ USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Lộc cho rằng, cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn.

“Tuy nhiên, trong thời gian trước đây, việc triển khai hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn chưa có nhiều, có một số dự án thực hiện theo mô hình BT (xây dựng – chuyển giao) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, mô hình BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) được đánh giá là mô hình hiệu quả nhất trong số hợp đồng đối tác công – tư trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn với lý do các công trình văn hóa, giáo dục, phúc lợi bao gồm cả các cơ sở nước thải không có lợi nhuận, do đó tổng chi phí dự án được trả về thông qua phí cho địa phương và chính phủ thuê, chứ không do chi phí sử dụng. Hệ thống này giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư và cung cấp cơ hội đầu tư ổn định. 

“Như vậy, kể cả trước khi có Luật và sau khi Luật PPP có hiệu lực, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, phương thức đối tác công – tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn vẫn chưa được triển khai nhiều tại Việt Nam”, ông Lộc nói.

Cùng chung nhận định, ông Hiền nhấn mạnh, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải mất chi phí khá lớn, nhiều tỷ đồng… vì thế cần thúc đẩy hợp tác công – tư trong vấn đề này.

Ông Hiền đề xuất, cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP, trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai,... để thu hút đầu tư của tư nhân.

Đồng thời, hoàn thiện  hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị.

Việc xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường cần được làm ngay.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thấu quốc tế; hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu. Đối với nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu, Nhà nước và nhà đầu tư thương thảo các nội dung quan trọng, nhất là phân chia trách nhiệm, cơ chế phối hợp.