12:23 23/03/2015

“Thực thi chính sách là chìa khóa thành công”

Lê Hường

Tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp vẫn là một tồn tại lớn

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn CEO 2015 được tổ chức ngày 20/3 tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, có bằng chứng cho thấy Chính phủ rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Khung pháp lý và pháp quy cải thiện đáng kể. Kinh tế vĩ mô đã ổn định... Tuy nhiên, tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp vẫn là một tồn tại lớn.

Sau khi thực hiện Nghị quyết 19/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2015 với mong muốn quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Bà đánh giá thế nào về Nghị quyết 19 mới được ban hành?

Tôi nghĩ rằng, Nghị quyết 19 là một nỗ lực tốt nhằm giải quyết những vấn đề chủ chốt của môi trường kinh doanh. Đây cũng là một phần trong nỗ lực lớn hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chúng ta đã có thể thấy một số cải thiện về thủ tục thanh toán tiền thuế, giúp người lao động chi trả bảo hiểm xã hội thuận lợi hơn, các thủ tục hải quan cũng đã được cải thiện tốt. Tất cả những yếu tố này đang đi theo một định hướng đúng đắn và Nghị quyết này có tính hỗ trợ tốt cho môi trường kinh doanh.

Có thể tin tưởng Nghị quyết 19 sẽ mang lại những kết quả như kỳ vọng, thưa bà?

Vấn đề chính là cách thức thực hiện Nghị quyết này. Cần thực thi chính sách đồng bộ và nghiêm túc. Cùng với đó, cần giám sát quá trình cải thiện. Không chỉ giám sát việc thực thi các chính sách mà còn giám sát tính tác động của các chính sách với khu vực tư nhân. Từ đó, đưa tác động này vào việc xây dựng hình thành chính sách về sau.

Tôi nghĩ, các bạn chưa có bộ phận giám sát và đánh giá thực thi chính sách, do đó thiếu đi cơ hội để thực sự hiểu được tác động chính sách với thực tế. Có thể, chúng ta kỳ vọng, dự đoán chính sách sẽ tác động theo một cách thức nào đó. Song thực tế, chính sách lại gây ra những thách thức ngược lại.

Vì vậy, giám sát và đánh giá tác động của chính sách là điều rất quan trọng và cần thực hiện thường xuyên.  

Tóm lại, các khuyến nghị chính sách và việc ban hành chính sách đã theo định hướng đúng. Chìa khóa để mở cánh cửa thành công của quá trình cải cách là việc thực thi chính sách. Để kết quả có tác động lâu dài, cần đưa chính sách vào cơ chế giám sát, kiểm tra với khu vực tư nhân và kiểm tra với cả các lãnh đạo.

Chỉ trong một năm mà hai nghị quyết được ban hành với cùng một chủ trương. Theo bà, sang năm 2016 sẽ có nghị quyết như vậy nữa không?

Nghị quyết năm 2015 cũng mang số 19 với cùng nội dung là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng các biện pháp đặt ra được đẩy mạnh hơn, sâu sắc hơn, cùng với chương trình cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết 19/2015 được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 19/2014. Cần phải nhắc lại là nên xem xét điều gì đã xảy ra và sẽ xảy ra như thế nào. Đồng thời, tiếp tục xem xét các chính sách mới được xây dựng ra sao.

Việc có thêm Nghị quyết 19/2016 hay không tôi không rõ nhưng hãy cứ chờ đợi bởi còn có nhiều vấn đề về môi trường kinh doanh hiện nay, vì vậy, có thể sẽ lặp lại điều này. Quan trọng là hãy làm điều mà chúng ta đã đề ra. Hãy làm cho điều đó xảy ra trong thực tế, sau đó, chắc chắn chúng ta cần cái mới để tiếp tục cải cách.

Cải cách là quá trình liên tục tiếp diễn. Ngay cả ở những nước đã phát triển, khi những thay đổi cải cách đã được thực hiện, vẫn có những thách thức mới đến với chúng ta. Một khi chúng ta đưa ra chính sách một cách thực tế, chúng ta cần thời gian để xem chính sách đã thực tế được thực thi thế nào.

Nếu có thêm một Nghị quyết 19 cho năm sau, điều đó không hẳn đồng nghĩa với việc Nghị quyết cũ không có hiệu quả. Thay vào đó, có thể là một nghị quyết mới được xây dựng dựa trên cái cũ và dựa trên thực tế đã triển khai. Giống như một chương trình, bạn chạy bước một và cần bổ sung bước tiếp theo.