12:02 21/10/2010

Thuê “Tây” làm quy hoạch: Đã mơ thì không tiết kiệm?

Bảo Anh

Ninh Thuận là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai việc thuê đối tác nước ngoài lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội

Với việc thuê "Tây" làm quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đã mơ thì không nên tiết kiệm.
Với việc thuê "Tây" làm quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đã mơ thì không nên tiết kiệm.
Thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch đô thị, không gian không còn là chuyện mới, bởi đã có nhiều địa phương triển khai. Tuy nhiên, thuê đối tác nước ngoài lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thì mới có Ninh Thuận là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai.

Tại hội nghị giới thiệu quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Hà Nội ngày 19/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay, với việc lựa chọn Ninh Thuận để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ đã có định hướng đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.

Điều này đòi hỏi người lập quy hoạch phải có một tầm nhìn mới, mà khởi đầu là một quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, trên cơ sở lấy công nghệ điện hạt nhân làm nền tảng.

Thế nhưng, vấn đề được một số đại biểu đặt ra là liệu thuê “Tây” làm thì chất lượng và tính khả thi có hơn “Ta” tự làm hay không, nhất là khi kinh phí phải trả cho “Tây”, theo như lời lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận là không hề nhỏ, vào khoảng 3 triệu USD.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc thuê nước ngoài làm quy hoạch tổng thể có thể là một cách nhìn mới, đặt Ninh Thuận vào một “cuộc chơi” mới, nhưng tham vọng của quy hoạch có vẻ quá táo bạo, khi dự kiến đưa Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo lọt vào top 10 tỉnh “giàu” nhất nước.

“Mục tiêu phấn đấu GDP 19% hay cao hơn không quan trọng, quan trọng là người dân Ninh Thuận được hưởng lợi gì. Với quy hoạch đưa ra, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vào, nhưng bản quy hoạch lại không nói rõ được là lợi ích này ai sẽ được hưởng”, ông Thiên nói.

Còn theo GS. Nguyễn Mại (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư), Ninh Thuận đặt mục tiêu và quyết tâm cao là cần hoan nghênh, song tỉnh cũng phải nhận thấy được xuất phát điểm của mình là còn thấp. Đáng tiếc là điều này cũng không được đề cập đến trong quy hoạch.
 
Hiện Ninh Thuận vẫn đang nhận trợ giúp 57% từ ngân sách Trung ương, đóng góp của địa phương vào GDP mới chỉ 10%, trong khi trung bình cả nước hiện nay là 24%.

Mặt khác, mục tiêu sản xuất 5.000 MW điện, bao gồm 2.000 MW điện hạt nhân, 2.000 MW điện gió (phong điện), 1.000 MW điện than là kỳ vọng quá lớn, trong khi cả nước đến năm 2020 cũng chỉ phấn đấu đạt 40.000 MW, trong đó điện gió hiện nay của cả nước chỉ có 5 MW.

Ngoài ra, Ninh Thuận và nhà tư vấn phải nhìn nhận rõ câu chuyện nâng cao dân trí cho người dân trong quy hoạch, không nên chỉ chạy theo mục tiêu là xây dựng được một trường đại học đẳng cấp quốc tế như quy hoạch đưa ra.

Một đại biểu khác, đến từ Bộ Xây dựng, thì cho rằng báo cáo do tư vấn nước ngoài đưa ra có thể rất hay, nhưng điều đó không có nghĩa là tốt và khả thi với điều kiện của Ninh Thuận.

Chẳng hạn, với hạn chế là dân số ít, song quy hoạch đặt ra mục tiêu gấp đôi dân số vào năm 2020 bằng con đường cơ học là chưa có cơ sở, bởi nó liên quan đến tính hấp dẫn và điều kiện để người ta tìm đến với Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, phía tư vấn gợi ý chọn vị trí sát bờ biển để xây trung tâm hành chính của tỉnh là không hợp lý, bởi đây là địa điểm thu lợi từ phát triển du lịch, dịch vụ.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho rằng, quy hoạch của tư vấn nước ngoài xây dựng nêu khó khăn, hạn chế của Ninh Thuận chưa đủ. Cái khó khăn nhất của Ninh Thuận là đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt lại không được đề cập trong quy hoạch.

Theo TS. Trần Đình Thiên, việc mời tư vấn nước ngoài có thể là một tư duy đúng, vì họ có tầm nhìn, kinh nghiệm, nhưng quan trọng phải thuê được tư vấn giỏi.

Đáp lại những băn khoăn trên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong lịch sử, nhiều địa phương đã từng có cơ hội phát triển nhưng đã bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Nên với quy hoạch này, Ninh Thuận hy vọng sẽ không để điều đó xảy ra.

“Ninh Thuận đi sau nên chắc chắn không thể làm giống như các địa phương phát triển đã đi trước. Các tỉnh, thành khác bước 1 bước thì chúng tôi phải bước 5 bước, thậm chí là phải chạy thì mới mong bắt kịp và vượt lên”, ông Dũng nói.

Thừa nhận rằng đây có thể là một bản quy hoạch hơi táo bạo và giàu tham vọng, nhưng theo ông Dũng, việc này cũng như người ta nằm mơ, mà quan điểm của tỉnh Ninh Thuận là đã mơ thì không tiết kiệm. Còn làm được hay không, lại là chuyện khác.