11:03 03/06/2018

Thuế thép, nhôm khiến Mỹ bị cô lập ở hội nghị G7

An Huy

“Không may là chúng tôi đang có một nhóm G6 + 1, trong đó Mỹ một mình chống lại tất cả”

Các đại biểu tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại Canada ngày 1/6 - Ảnh: Reuters.
Các đại biểu tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại Canada ngày 1/6 - Ảnh: Reuters.

Việc Tổng thống Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Sự phản đối này đã phủ bóng lên hội nghị quan chức tài chính nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 1/6.

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã trở thành mục tiêu chính của sự chỉ trích tại hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 diễn ra tại Canada. Sáu quốc gia còn lại trong nhóm đều bị Mỹ áp thuế thép và nhôm - chương trình đánh thuế dựa trên cơ sở an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Mỹ bị cô lập

Thuế suất 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu được Mỹ áp dụng đối với mọi quốc gia, nhưng khi đưa ra kế hoạch này vào tháng 3, chính quyền Trump đã tạm miễn cho một số nước đồng minh và đối tác để các nước này có thời gian đàm phán với Washington.

Tuy nhiên, ngày 31/5, Mỹ tuyên bố dừng miễn đánh thuế với Canada, Mexico và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi các đối tác này không chấp nhận đề xuất hạn ngạch mà Mỹ đưa ra. Nhật Bản, đồng minh số 1 của Mỹ ở khu vực châu Á, thậm chí không được miễn ngay từ đầu.

Cả EU và Canada hiện đã kiện Mỹ về thuế thép và nhôm lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một tuyên bố của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng thuế thép và nhôm của Mỹ "được áp đặt với lý do không đúng sự thật là bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Canada, ông Bill Morneau, nói với các nhà báo rằng trong một cuộc gặp với ông Mnuchin, "tôi đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của chúng tôi với thuế thép và nhôm của Mỹ. Chúng tôi cho rằng thật lạ lùng khi nói rằng Canada có thể là một rủi ro an ninh".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Bruno Le Maire nói ông Mnuchin rõ ràng bị cô lập tại hội nghị G7 vì vấn đề thuế thép và nhôm, dù Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Italy và Canada cùng đang cố gắng thuyết phục chính quyền Trump "trở lại với điều đúng đắn".

"Không may là chúng tôi đang có một nhóm G6 và 1, trong đó Mỹ một mình chống lại tất cả và gây nguy cơ bất ổn kinh tế", ông Le Maire nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond thì nói rằng hành động của Mỹ khiến các thành viên G7 lo ngại, nhưng hy vọng các nước còn lại trong khối sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó với Tổng thống Trump trong vấn đề này tại thượng đỉnh G7 diễn ra vào tuần tới ở Charlevoix, Canada.

"Chúng ta đều biết là Tổng thống Trump có một phong cách rất cá nhân. Ông ấy thích tự giải quyết các vấn đề", ông Hammond nói.

Hiện Mỹ, Canada và Mexico đang trong một cuộc đàm phán cam go về điều chỉnh lại Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Hôm thứ Năm, ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có một cuộc điện đàm căng thẳng về vấn đề này.

Khó ứng phó với Trung Quốc?

Sau đó, hôm thứ Sáu, ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter đăng dòng trạng thái (tweet) chỉ trích Canada, nói rằng nước này đã đối xử với nông dân Mỹ "rất tệ trong một khoảng thời gian rất dài".

"Họ hạn chế thương mại rất nhiều. Họ phải mở cửa thị trường và hạ hàng rào thương mại. Họ có thặng dư thương mại rất lớn với chúng ta", ông Trump viết.

Sau đó cùng ngày, ông Trump nói ông muốn có thỏa thuận thương mại song phương với Canada và Mexico, hơn là điều chỉnh NAFTA. Nhà Trắng cho biết ông Trump cũng đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nói về sự cần thiết phải "cân bằng lại quan hệ thương mại với châu Âu".

Những tuyên bố này được đưa ra sau khi Canada, Mexico và EU nhanh chóng đáp trả thuế thép và nhôm của Mỹ bằng kế hoạch áp thuế lên nhiều tỷ USD hàng Mỹ, gồm nước cam, rượu whiskey, quần jean và xe mô-tô Harley-Davidson.

"Chúng tôi quyết tâm bảo vệ hệ thống đa phương", cao ủy viên châu Âu về thương mại Cecilia Malmstrom nói về việc kiện Mỹ lên WTO. "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia đều tuân thủ luật chơi".

Những động thái này diễn ra trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại.

Các quan chức tại hội nghị G7 lo ngại rằng thuế thép và nhôm của Mỹ sẽ khiến khối này khó có thể hợp tác để ứng phó với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, nhất là khi Bắc Kinh - cũng giống như hầu hết các nước G7 - ủng hộ các nguyên tắc thương mại dựa trên WTO hiện nay, trong khi Mỹ tìm cách né tránh những nguyên tắc này.

Ông Le Maire đặt câu hỏi với ông Mnuchin: "Làm thế nào các ông thuyết phục Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế nếu như các ông không tôn trọng?" - một quan chức có mặt tại cuộc họp tiết lộ.

Đối với EU, một quyết định trong việc chống lại thuế thép và nhôm của Mỹ sẽ đòi hỏi sự nhất trí giữa 28 quốc gia thành viên.

Đức - nước xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ nhất - muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng, nhất là khi chính quyền Trump đã mở ra khả năng áp thuế lên xe hơi nhập khẩu. Nếu Mỹ đánh thuế xe hơi, các hãng xe Đức sẽ chịu thiệt hại lớn.

Trong khi đó, các nước EU khác như Pháp muốn có lập trường cứng rắn hơn đối với điều mà họ xem là "sự bắt nạt" của Mỹ.