13:37 03/03/2011

Thương vụ lịch sử của hàng không Trung Quốc

An Huy

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) vừa nhất trí mua lại hãng sản xuất máy bay tư nhân Cirrus Industries của Mỹ

Một sản phẩm máy bay của Cirrus Industries.
Một sản phẩm máy bay của Cirrus Industries.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) vừa nhất trí mua lại hãng sản xuất máy bay tư nhân Cirrus Industries của Mỹ, tờ Wall Street Journal cho biết.

Đây là vụ thâu tóm đầu tiên trong lĩnh vực hàng không mà Trung Quốc thực hiện tại Mỹ, phản ánh những tham vọng phát triển ngày càng lớn của ngành hàng không nước này.

Hiện hai bên chưa công bố các chi tiết của thỏa thuận, nhưng cho biết dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận vào giữa năm nay. Thỏa thuận sẽ cần tới sự thông qua của cơ quan chức năng Mỹ và Trung Quốc.

Tờ China Daily gọi đây là một thỏa thuận lịch sử của ngành hàng không Trung Quốc, đồng thời cho biết, Cirrus là hãng sản xuất máy bay tư nhân một động cơ lớn thứ hai thế giới, sau Cessan, xét về số lượng máy bay giao hàng hàng năm.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho rằng, thỏa thuận này sẽ làm gia tăng sự thận trọng của nước Mỹ đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp của các công ty Trung Quốc tại Mỹ, đặc biệt là những thỏa thuận có liên quan tới công nghệ. Mới đây, nhà chức trách Washington đã buộc hãng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei từ bỏ một thỏa thuận mua lại trị giá 2 triệu USD ở Mỹ vì những lo ngại liên quan tới an ninh và công nghệ.

Nhiều nhà làm luật và quan chức Mỹ đã phản đối những nỗ lực của AVIC khi công ty này tìm cách tiếp cận các hợp đồng quốc phòng ở Mỹ. AVIC hiện đang hợp tác với công ty US Aerospace có trụ sở ở California để nỗ lực giành hợp đồng thay mới phi đội trực thăng dành cho Tổng thống Mỹ. Hai công ty này còn đàm phán để cung cấp máy bay phản lực chiến đấu L-15 do AVIC sản xuất cho không lực Mỹ. Hồi năm 2009, AVIC đã thành lập liên minh với tập đoàn công nghiệp General Electric (GE) để cung cấp linh kiện cho máy bay dân sự mà GE sản xuất.

Tuy được dự báo là sẽ gặp ít nhiều thách thức để tiến tới hoàn tất thỏa thuận, vụ mua lại Cirrus sẽ mở ra cho AVIC nhiều cơ hội lớn.

Thứ nhất, thỏa thuận sẽ giúp AVIC mở rộng thị trường hàng không tư nhân với các loại máy bay cỡ nhỏ dành cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc. Thứ hai, AVIC sẽ được tiếp cận với công nghệ của Cirrus, bao gồm cả công nghệ phát triển máy bay phản lực cỡ nhỏ mà công ty này đang thử nghiệm. Và thứ ba, thỏa thuận sẽ giúp AVIC mở rộng cánh cửa hơn vào thị trường hàng không tư nhân lớn nhất thế giới là Mỹ.

Mỹ hiện chiếm hơn 2/3 trong tổng số 330.000 máy bay tư nhân trên toàn thế giới. Trong khi đó, tính tới cuối năm 2010, Trung Quốc mới có 1.010 máy bay tư nhân cỡ nhỏ được đăng ký.

Trong thập kỷ qua, Cirrus đã giao hàng 5.000 máy bay động cơ piston đến khách hàng ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 9 máy bay Cirrus được đăng ký ở Trung Quốc đại lục.

Thỏa thuận mua Cirrus một lần nữa cho thấy tham vọng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Công ty Máy bay thương mại, một bộ phận của AVIC, hồi tháng 11 vừa qua tuyên bố đã nhận được 100 đơn đặt hàng đầu tiên cho chiếc máy bay dân dụng đầu tay mang tên Comac C919. Tuy nhiên, chiếc máy bay thương mại đầu tiên của Trung Quốc này đã lỡ hẹn chuyến bay đầu tới 2 năm, và được dự báo phải đến năm 2016 mới được giao hàng.