Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phía Nam kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất
Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam...
Từ ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể trong năm 2021, đồng thời thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Mục tiêu trước mắt của nền kinh tế là giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tập trung khôi phục sản xuất, chú trọng kết nối lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đến nay, tại các tỉnh thành phía Nam, các doanh nghiệp đã dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Theo Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tình hình phục hồi sản suất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tăng tốc nhằm thích ứng nhanh với tình hình mới.
Cụ thể, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 17/11/2021, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động tăng từ 191 doanh nghiệp lên 264/431 doanh, đạt 66% so với kế hoạch.
Trong đó, số doanh nghiệp thực hiện theo phương án 1 cung đường 2 điểm đến 138. 67 doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ. 59/264 doanh nghiệp thực hiện đồng thời các phương án.
Tại Long An, đến ngày 18/11/2021 ước có trên 91% doanh nghiệp đã hoạt động lại. Tỉnh Sóc Trăng hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An nghiệp đã phục hồi sản xuất đạt 84% và các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đạt 54,4% công suất.
Thành phố Cần Thơ, Bến Tre tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng ở mức 84,25%- 89%. Một số doanh nghiệp trong KCN hoạt động hơn 100% công suất để đáp ứng các đơn hàng sau dịch.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và các hiệp hội ngành hàng, về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã kiểm soát tương đối hiệu quả tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP được ban hành, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.
Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Do vậy, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong bối cảnh mới của Chính phủ gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động.
Đồng thời, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác phòng dịch, trong đó có việc xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nội bộ doanh nghiệp. Tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Đặc biệt, cần có các chính sách tạo điều kiện để người lao động trở lại làm việc nhất là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất.
Nhà nước cần sớm ban hành chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh. Cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định (không quá 400 giờ/năm) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng.
Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ (như các hỗ trợ về thuế, phí, tín tụng, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…).