19:15 13/09/2021

Chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất, tiêu thụ nông sản những tháng cuối năm

Chu Khôi

Tác động của dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức đảm bảo nguồn cung ứng và đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Đồng thời, cũng đặt ra nguy cơ thiếu hụt lương thực những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán...

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản, ngày 13/9/2021.
Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản, ngày 13/9/2021.

Câu chuyện tìm hướng giải quyết tình trạng ùn ứ nhằm thông suốt hàng hóa tiếp tục là chủ đề được các địa phương, các hiệp hội giãi bày tại hội nghị trực tuyến: "Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19" do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì, ngày  13/9/2021.

Tại hội nghị, các địa phương và các hiệp hội cũng kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, không bị mất đơn hàng và hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp phải phá sản do dịch bệnh.

 NGUY CƠ THIẾU HỤT LƯƠNG THỰC VÀO CUỐI NĂM

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản dẫn tới đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ùn ứ nông sản.

Phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm nông sản ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

 
"Việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm phục vụ nông dân trồng trọt, chăn nuôi vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế…"
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Tiến nhận định: "Sản xuất nông nghiệp 8 tháng năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt kết quả tích cực, nhưng tác động của dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo nguồn cung ứng cuối năm và đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Đồng thời, cũng đặt ra nguy cơ thiếu hụt lương thực những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán". 

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2021  xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của mọi ngành hàng. Nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 8 tháng năm 2021.

Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5-3,0%/năm trong giai đoạn 2019 - 2028, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam. Bộ này cũng đưa ra kiến nghị cần sớm tháo gỡ những nút thắt mà doanh nghiệp phải đối mặt như tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, kiểm tra chuyên ngành, chi phí tăng cao…

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh khiến giá bán nhiều trái cây ở mức thấp, nhất là thanh long, khóm (dứa), chanh... Dù không xảy ra tình trạng tồn đọng nông sản nhưng các sản phẩm đều có giá thấp hơn so với cùng kỳ từ 5.000-10.000 đồng/kg các loại, do sức mua giảm mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết trong 8 tháng năm 2021, nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt trên 830 nghìn tấn (tăng 19,6% so với cùng kỳ 2020), giá trị đạt gần 700 triệu USD (tăng 26,1% so với cùng kỳ 2020).

Tuy nhiên từ tháng 7 trở lại đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã có nhiều biện pháp để thắt chặt việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam (đặc biệt là các loại trái cây tươi).

 XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng 8 tháng năm nay kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, phục hồi nhanh. Chỉ riêng tháng 8/2021, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 27.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Bắc Giang đứng thứ tư toàn quốc về tổng đàn gà, lợn; có vùng trồng vải thiều chuyên canh đứng thứ nhất cả nước với hơn 28.000 ha.

Đặc biệt, vụ vải thiều vừa qua diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên bằng các biện pháp tích cực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, địa phương, việc tiêu thụ vải thiều vẫn diễn ra thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Ghi nhận cố gắng của nhiều địa phương trong công tác ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao một số tỉnh/thành phố đã có giải pháp, định hướng đẩy lùi dịch bệnh, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Chính phủ sẽ nghiên cứu, xem xét và sớm ban hành Chỉ thị phù hợp để thực hiện trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm tập trung áp dụng mô hình “thu hoạch và vận chuyển” ở các khu vực sản xuất nông nghiệp lớn, phát triển hệ thống đại lý thu mua trên địa bàn, liên kết với cơ sở chế biến, có phương án tổ chức hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản.

 
"Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất nông nghiệp vụ tiếp theo từ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống".
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất.

Đề nghị các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Trung ương, không phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ, tuyệt đối phải đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho chủ xe, lái xe, phương tiện vận chuyển nông sản theo luồng xanh để thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp...

Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị của Bộ Công Thương tham mưu các giải pháp về thị trường, đặc biệt là việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường chính ngạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch nuôi trồng theo đúng kế hoạch xây dựng từ đầu năm. Trong đó, địa phương vùng dịch sẽ kết hợp với nơi không có dịch cùng sản xuất để bảo đảm số lượng hàng hóa phục vụ Tết.

Trong công tác phối hợp, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới.

Đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản vượt qua khó khăn.