09:56 08/07/2008

Tìm lối đi cho công nghiệp thời trang

Hoa Minh

Làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp thời trang quy mô lớn ở Tp.HCM?

Một cửa hàng thời trang.
Một cửa hàng thời trang.
Ở Tp.HCM, những năm gần đây, trên các con đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ xuất hiện nhiều tiệm may và cửa hàng thời trang, phần lớn là tự phát, là nghề may gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân, không phải công nghiệp thời trang.

Ngành dệt may Tp.HCM đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển ngành công nghiệp địa phương nhưng công nghiệp thời trang chưa có chiến lược phát triển bền vững, chủ yếu mang tính tự phát.

Theo ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Gia Định, bất lợi của ngành công nghiệp thời trang là đội ngũ các nhà thiết kế chuyên nghiệp còn quá ít, nguyên phụ liệu đến hơn 70% phải nhập khẩu, chiến lược quảng bá sản phẩm thời trang chưa được đầu tư nhiều.

Thời trang phát triển... ngược

Một người trong ngành dệt may cho biết, sản phẩm thời trang trong nước, hiện nay chỉ có 30% số mẫu thiết kế là của trong nước, 70% là sao chép từ nước ngoài. Vấn đề đội ngũ thiết kế cho công nghiệp thời trang được đặt ra tại một hội thảo về công nghiệp thời trang tại Tp.HCM.

Nếu xem quy trình sản phẩm thời trang từ A-Z thì theo nhà thiết kế Minh Hạnh, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Việt Nam (Fadin), ngành thời trang Việt Nam đi theo quy trình từ B-Z ở các khâu như sản xuất, phân phối. Còn khâu đầu tiên là thiết kế lại chưa thực hiện được. Ngành thiết kế đã 10 năm tự lập và có những bước phát triển đáng kể nhưng chỉ mới cung cấp được một số nhà thiết kế cho các công ty lớn.

Nguồn nhân lực thiết kế Việt Nam rất nhiều với đội ngũ trẻ giàu tiềm năng sáng tạo, nhưng chỉ là bẩm sinh mà không được đào tạo thì không thể đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó, phải đặt đào tạo lên hàng đầu. Bà Hạnh cũng lưu ý rằng trong những năm tới, việc đào tạo thiết kế cần chú trọng về kỹ thuật, kỹ thuật này phải được cập nhật, nhất là về công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay các trường có đào tạo lĩnh vực thiết kế hạn chế về giáo trình lẫn đội ngũ giảng dạy.

Ông Thomas William Allan Whitfield, Giám đốc Viện Nghiên cứu thiết kế quốc gia (Australia) nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu thiết kế. Thiết kế làm tăng giá trị hàng hoá, làm cho hàng hoá thêm hấp dẫn. Đó là lý do tại sao Singapore đang tập trung vào ngành công nghiệp sáng tạo. Còn ở Anh, công ty nào chú trọng thiết kế, thì kinh doanh đạt hiệu quả.

Ví dụ Target một nhà phân phối thời trang lớn ở Australia. Trước đây, Target tập trung vào đối tượng người lớn tuổi, đánh mất thị trường trẻ. Họ nhận ra sự già cỗi của thương hiệu và bắt đầu lựa chọn phương án mời các nhà thiết kế châu Âu. Mẫu thiết kế không quá đắt tiền, phù hợp với giới trẻ. Vì vậy, đến nay Target đã chiếm được cảm tình giới trẻ.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Hiệu trưởng Trường Đào tạo dệt may quốc tế, ở khâu chế tạo sản phẩm, điểm yếu là do hầu hết các nhà máy quen với việc làm theo những gì khách hàng chuẩn bị sẵn, từ nguyên liệu đến thông số kỹ thuật. Vì vậy, việc đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật, xác định thông số người Việt, tỷ lệ size... rất khó và không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Định hướng phát triển công nghiệp thời trang

Ông Triều cho biết, thực tế, một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư vào thiết kế và sản xuất sản phẩm thời trang mang tính công nghiệp phục vụ kinh doanh nội địa. Nhưng do thời gian thu hồi vốn lâu cũng như lợi nhuận mang lại không bằng việc sản xuất hàng xuất khẩu, nên họ chưa xem việc sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa là thế mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay có một số doanh nghiệp đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin của khách hàng. Chẳng hạn như Legafashion của Công ty Legamex, Sanding của Công ty May Sài Gòn 2, Vera của Công ty Quốc tế Quadrille & Vera. Sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt có thể cạnh tranh với ngoại nhập. Nhiều nhãn hiệu và thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm.

Quan điểm phát triển ngành thời trang - dệt may Tp.HCM là đưa Tp.HCM trở thành trung tâm cung cấp những thông tin dịch vụ dệt may cho khu vực phía Nam, trong đó có nghiên cứu thời trang. Theo ông Triều, Tp.HCM đã có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, tạo mẫu thời trang nhằm mục tiêu chuyển hướng phát triển từ sản xuất gia công xuất khẩu theo mẫu thiết kế từ nước ngoài sang lĩnh vực tự thiết kế mẫu thời trang cho những đơn hàng FOB, đơn hàng trong nước.

UBND thành phố đã có chủ trương xây dựng trung tâm thiết kế thời trang và mua bán nguyên phụ liệu dệt may tại quận 12, trong đó có chức năng của một trung tâm thời trang, sáng tạo các mẫu mã mới, cung cấp cho doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh phía Nam.

Theo ông, Tp.HCM cần hình thành những trung tâm, nơi biểu diễn thời trang quy mô lớn, hiện đại. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tham quan các hội chợ quốc tế về thời trang để tiếp cận thông tin chuyên ngành và nắm bắt kịp xu hướng thời trang thế giới làm nền tảng cho việc thiết kế, xây dựng bộ sưu tập thời trang mới cung ứng cho thành phố.

Ngoài ra, theo ông Triều, các doanh nghiệp nên xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa và quảng cáo chuỗi giá trị định hướng cho người mua. Tổ chức những dây chuyền sản xuất chuyên ngành, cung ứng hàng cho các hệ thống phân phối trên địa bàn một cách chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn Hồng Trang, Giám đốc điều hành Công ty Quadrille & Vera lưu ý rằng, hệ thống phân phối đóng vai trò quyết định sự sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi lẽ sản phẩm tốt, nổi tiếng nhưng không có kênh phân phối thì doanh thu cũng bằng không. Kênh phân phối nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thu thập thông tin thị trường và củng cố lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu...