07:04 11/03/2015

Tìm lời giải mới cho bài toán liên kết vùng

Lê Châu

Một loạt các hoạt động thúc đẩy cho liên kết và phát triển vùng Tây Bắc sẽ tiến hành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc ví Tây Bắc như một “hòn ngọc” chưa được khai thác, khám phá.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc ví Tây Bắc như một “hòn ngọc” chưa được khai thác, khám phá.</span>
Một loạt các hoạt động thúc đẩy cho liên kết và phát triển vùng Tây Bắc, khu vực được xem là khó khăn nhất trong các vùng sẽ tiến hành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới với kỳ vọng Tây Bắc sẽ đem lại lời giải sáng tạo cho bài toán liên kết vùng.

Theo đó, vào tuần cuối tháng 3, hội thảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc - Tây Bắc và Kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường hạnh phúc (20/3/1965 - 20/3/2015) sẽ được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức. Vào đầu tháng 4, hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc, sẽ được tổ chức tại tỉnh Sơn La ...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc gọi vùng này như một “hòn ngọc” chưa được khai thác, khám phá, các hoạt động như vậy là dịp để các nhà đầu tư hiểu biết sâu hơn về hòn ngọc này; đồng thời, qua đó chính quyền các địa phương cũng thể hiện quyết tâm của mình trong kêu gọi đầu tư không chỉ bằng sự nhiệt tình, mến khách mà cả những hành động cụ thể thiết thực hơn như cải cách, cắt giảm các thủ tục rườm rà, phức tạp trong đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng hơn và đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư. 

Cả 3 lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc đều rất thành công, chẳng hạn hội nghị tổ chức tại Lào Cai năm 2008 với chủ đề “Đánh thức một vùng tiềm năng” đã thu hút hơn 40 ngàn tỷ đồng đầu tư vào vùng. Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Bắc, tổ chức tại Tuyên Quang 2013 đã có gần 30 dự án cấp phép với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng; tổ chức và cá nhân đã tài trợ 543 tỷ đồng cho an sinh xã hội, riêng ngành ngân hàng hỗ trợ gần 455 tỷ đồng...
 
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nội lực. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từng địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể, có tiêu chí phấn đấu, lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi cao. Cần tập trung khai thác các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, có lợi thế so sánh trong vùng như kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, khai khoáng, thủy điện, du lịch, phát huy hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu”, ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “Tây Bắc hiện vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Xây dựng vùng phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước”.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng từ các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng sôi nổi của Tây Bắc, sẽ đề ra những giải pháp hữu ích để gỡ vướng trong bài toán liên kết vùng hiện nay như các địa phương phải xác định cơ sở liên kết vùng là gì, có phù hợp với sự phát triển của từng thời kỳ, từng địa phương trong vùng hay không, từ đó đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích lợi ích kinh tế của từng địa phương trong sự liên kết phát triển vùng. 

Thúc đẩy thực hiện các phương thức liên kết vi mô theo hướng liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, để giải quyết những vấn đề lớn về sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa... như thế nào cho hiệu quả.

Trước đó, trong cuộc khảo sát và làm việc của Ban Kinh tế trung ương với các địa phương trong vùng Tây Bắc về vấn đề liên kết vùng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân nhận định các địa phương đã có nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng, đều có những chuẩn bị của riêng mình, nhưng lại không có tính thống nhất, gắn kết với các địa phương khác cũng như với toàn vùng. 

Tây Bắc là một vùng khó khăn đặc thù, cơ sở vật chất thiếu thốn, khí hậu đặc biệt khó khăn, lại là vùng có tiềm lực về nhân lực thấp nhất cả nước. Do vậy, việc liên kết vùng ở Tây Bắc là không hề đơn giản.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, ở các tỉnh vùng Tây Bắc có đặc thù mà các tỉnh đồng bằng không thể có được đó là khí hậu ôn đới. Do đó, nếu áp dụng được khoa học-kỹ thuật cho bà con nông dân, vùng Tây Bắc có thể phát triển cây dược liệu và các loại rau ôn đới. 

Hiện nay tuy đã có một số mô hình trồng cây dược liệu và rau ôn đới nhưng mới chỉ ở hình thức hộ, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp mặc dù biết đây là những sản phẩm rất tiềm năng nhưng vẫn chưa thật sự tham gia vì nguồn cung chưa đảm bảo. Đây chính là bài toán đặt ra khi liên kết vùng. 

Ngoài ra, các tỉnh Tây Bắc vẫn còn những tiềm năng chưa được khai thác đúng mức, đặc biệt là du lịch. Vì vậy, các địa phương nên liên kết ở những ngành đặc thù nhất của vùng. Cụ thể, Hà Giang tập trung khai thác du lịch gắn với cao nguyên đá Đồng Văn - di sản thiên nhiên; Phú Thọ với sự đậm đặc của văn hóa phi vật thể nên quy hoạch phát triển văn hóa tâm linh... 

Trong cuộc hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc, Tây Bắc do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức với tỉnh ủy Hà Giang tổ chức tới đây, sẽ đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông, công nghiệp dược liệu của tỉnh Hà Giang và mở rộng ra các tỉnh xung quanh tạo thành vùng dược liệu quốc gia, trong đó Hà Giang là trung tâm.

Hội thảo cũng sẽ đề xuất được số lượng cơ chế cần để phát triển kinh tế biên mậu trong đó có tính đến phân cấp, giao quyền cho các tỉnh biên giới phía Bắc trong một số lĩnh vực để phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh...