Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới thay đổi thế nào sau đại dịch?
Dù 4 vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, top 10 nền kinh tế có sự xáo trộn lớn
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới khi đẩy nhiều quốc gia rơi vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất lịch sử.
Dưới đây là thay đổi trong top 10 nền kinh tế thế giới sau một năm trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử, theo dữ liệu về Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tháng 4/2021) và phân tích CNBC.
Nguồn: Cơ sở dữ liệu về Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tháng 4/2021) và phân tích của CNBC
ẤN ĐỘ TỤT XUỐNG SAU ANH
Ấn Độ vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong năm 2019 nhưng lại tụt một bậc sau Anh trong năm 2020. Theo dự báo của IMF, Ấn Độ sẽ chưa thể giành lại vị trí thứ 5 cho tới tận năm 2023. Nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để phòng dịch năm ngoái.
IMF dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ giảm 8% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021. Dù kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm tài khóa tới tháng 3/2022, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch mới đây có thể kìm hãm triển vọng kinh tế của Ấn Độ. Tuần trước, Ấn Độ vượt Brazil thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Các nhà kinh tế ước tính một tháng phong tỏa toàn quốc - nếu phải tái áp dụng - có thể "thổi bay" 100-200 điểm cơ sở trong GDP năm của Ấn Độ.
BRAZIL TRƯỢT KHỎI TOP 10
Từ vị trí thứ 9 năm 2019, kinh tế Brazil tụt xuống vị trí thứ 12 năm ngoái. Đây là quốc gia duy nhất trượt khỏi top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới do ảnh hưởng của đại dịch. Quốc gia Nam Mỹ được dự báo chưa thể trở lại top 10 ít nhất tới năm 2026.
Brazil là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn đánh giá thấp mối đe dọa từ dịch bệnh, liên tục từ chối áp dụng phong tỏa toàn quốc để kiềm chế dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Brazil Sao Paulo đã viết thư cho chính phủ liên bang cảnh báo về sự sụp đổ "sắp xảy ra" của hệ thống y tế. Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Brazil sẽ phải vật lộn để phục hồi.
Theo IMF, kinh tế Brazil đã giảm 4,1% trong năm ngoái và được dự báo tăng trưởng 3,7% trong năm 2021.
HÀN QUỐC LỌT TOP 10
Với việc Brazil trượt khỏi top 10, Hàn Quốc lọt vào danh sách này và được dự báo duy trì vị trí này tới ít nhất năm 2026, theo IMF.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 vào đầu năm 2020. Những thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh năm ngoái cũng như kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn tăng mạnh đã giúp kinh tế Hàn Quốc chỉ suy giảm 1% trong năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế lớn khác.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa của Hàn Quốc ngày càng chống chịu tốt hơn qua các đợt bùng phát dịch, một phần nhờ mua sắm trực tuyến bùng nổ. Tuy nhiên, ngành giải trí và khách sạn vẫn chưa phục hồi. IMF dự báo kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 3,6% trong năm nay.