16:52 01/12/2023

TP.HCM: Thu hút hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Vân Nguyễn

11 tháng năm 2023, thu hút FDI của TP.HCM đạt trên 3 tỷ USD, Singapore và Malaysia là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 43,4% và 21,2%. Luỹ kế từ năm 1988 đến nay, thu hút FDI thành phố đạt hơn 82,95 tỷ USD…

Thu hút FDI tại TP.HCM đạt hơn 3 tỷ USD trong 11 tháng măm 2023 - Ảnh minh hoạ
Thu hút FDI tại TP.HCM đạt hơn 3 tỷ USD trong 11 tháng măm 2023 - Ảnh minh hoạ

Nhận định về tình hình kinh tế chung, theo Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế thế giới tiếp tục trải qua thời kỳ khó khăn, bất định khi chiến sự Israel - Hamas xảy ra có nguy cơ lan rộng, khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang sang giai đoạn mới; kinh tế Châu Âu tiếp tục ảm đạm, kinh tế Trung Quốc giảm mạnh hơn so với dự kiến.

Dù vậy, bên cạnh các chính sách kích cầu tiêu dùng đang thực hiện, thành phố đã tích cực đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

HƠN 3 TỶ USD TỪ FDI ĐƯỢC “RÓT” VÀO

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong 11 tháng của năm 2023, tính chung cả dự án cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần góp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, về cấp mới có 1.090 dự án cấp phép mới, tăng 35,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 573,5 triệu USD tăng 20,1%.

Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy với 462 dự án, vốn đăng ký là 218,9 triệu USD, chiếm 38,2% vốn đăng ký cấp mới.

Tiếp đến là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 269 dự án, vốn đăng ký 134,5 triệu USD, chiếm 23,5%. Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 17 dự án, vốn đăng ký là 67,2 triệu USD, chiếm 11,7%. Hoạt động xây dựng với 8 dự án, vốn đăng ký là 54,5 triệu USD, chiếm 9,5%.

Chỉ số thành lập doanh nghiệp tại TP.HCM 11 tháng năm 2023 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM
Chỉ số thành lập doanh nghiệp tại TP.HCM 11 tháng năm 2023 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM

Đối với điều chỉnh vốn đăng ký có 281 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, tăng 71,3% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 601,7 triệu USD, giảm 61,3%. Hoa Kỳ là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 11 tháng năm 2023 đạt 217,9 triệu USD, chiếm 36,2% vốn đăng ký điều chỉnh.

Liên quan đến hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 2.099 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn là 1.909 triệu USD, tăng 26,7% về vốn so với cùng kỳ.

Trong đó, hoạt kinh doanh bất động sản có số vốn góp đạt 917 triệu USD, chiếm 48%; hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy với vốn góp là 363,3 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 330,1 triệu USD, chiếm 17,3%. Singapore và Malaysia là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 43,4% và 21,2%.

Về quốc gia đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 184 dự án, vốn đăng ký đạt 170,1 triệu USD, chiếm 29,7% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 95 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD, chiếm 14,2%; Ấn Độ với 40 dự án, vốn đăng ký đạt 62,2 triệu USD, chiếm 10,8%.

Lũy kế từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/11/2023, trên địa bàn thành phố có 12.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 57,25 tỷ USD; 26.389 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 25,7 tỷ USD.

Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào thành phố đạt hơn 82,95 tỷ USD.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/11/2023, thành phố đã cấp phép 47.624 doanh nghiệp, tăng 16,6% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 431.419 tỷ đồng, giảm 0,4%. Trong đó, 09 ngành dịch vụ chủ yếu có 35.485 doanh nghiệp thành lập, tăng 18,6% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 301.970 tỷ đồng, giảm 7,7%.

CPI TĂNG NHẸ 0,13%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 năm 2023 ước đạt 108.022,6 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.081.301,5 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

“Sức mua nội địa tiếp tục được duy trì, trong thời gian qua thành phố đã xây dựng nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, đặc biệt với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện vận tải”, Cục Thống kê TP.HCM nhận định.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng 2023 của TP.HCM - Nguồn Cục Thống kê TP.HCM
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng 2023 của TP.HCM - Nguồn Cục Thống kê TP.HCM

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 của thành phố tăng 0,13%. Trong đó, 2/11 nhóm hàng hóa giảm là thiết bị và đồ dùng gia đình (giảm 0,46%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,32%); các nhóm còn lại tăng so với tháng trước.

Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 11 so với tháng trước, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%, do nhu cầu tiêu dùng và giá nhân công tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,35%, chủ yếu do giá gas và các loại chất đốt tăng 1,07%.

Nhóm tăng cao nhất trong tháng 11 là nhóm giao thông với mức tăng 0,49%, chủ yếu do giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng cao khi nhu cầu sử dụng tăng mạnh.

Trong tháng 11/2023, có 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu (ngày 1/11/2023, ngày 13/11/2023 và ngày 23/11/2023) làm cho nhóm nhiên liệu giảm 1,16% so với tháng trước. Trong đó, giá xăng giảm 1,40%, dầu diesel giảm 7,13%. So với cùng kỳ năm 2022, bình quân 11 tháng năm 2023 giá xăng, dầu giảm 12,21%, tác động làm CPI chung giảm 0,42 điểm phần trăm.

Bình quân 11 tháng năm 2023, chỉ số CPI của thành phố tăng 3,36% so với cùng kỳ (bình quân 11 tháng đầu năm 2022 tăng 2,54%), chỉ trừ nhóm giao thông giảm 2,32% và bưu chính viễn thông giảm 1,91%; 9 nhóm còn lại đều tăng, trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,63%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,79%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,86%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,36%, giáo dục tăng 13,94%.

 

11 tháng năm 2023, có 5 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất nước gồm Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang. Thứ tự này đã thay đổi so với tháng trước. Trong đó, Bắc Ninh trong thu hút FDI là "thủ phủ" công nghiệp ở miền Bắc, nhưng thu hút FDI vào các khu công nghiệp của tỉnh năm nay chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 21,4% so với mức ước thực hiện năm nay.

Ở chiều ngược lại là sự nổi lên của một số địa phương như Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình...Tỉnh này đang đứng thứ 6 cả nước trong thu hút FDI với 1,3 tỷ USD, kỳ vọng đến hết năm nay là 1,5 tỷ USD. Nghệ An và Thái Bình là 2 trong số các tỉnh lần đầu thu hút FDI vượt mốc tỷ USD.