14:00 20/11/2023

TP.HCM tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chất lượng công trình

Minh Hà

Việc quản lý trật tự xây dựng tại TP.HCM phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng...

TP.HCM tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chất lượng công trình. Ảnh minh họa.
TP.HCM tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chất lượng công trình. Ảnh minh họa.

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố. 

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các nội dung: Tăng cường thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn Thành phố.

Việc tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng gắn với việc kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được duyệt, độ an toàn công trình trước và trong suốt quá trình thi công theo quy định pháp luật. Đồng thời có biện pháp xử lý, đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện công trình vi phạm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động trong thi công xây dựng.

Ngoài ra, việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Sau khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và xử lý nếu phát sinh vi phạm; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến các trường hợp vi phạm không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Đặc biệt, công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra, giám sát việc quản lý, xử lý đối với các trường hợp xây dựng chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ thành căn hộ cho thuê, chia nhỏ nhà ở riêng lẻ thành nhiều căn để bán hoặc cho thuê; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khi phát sinh vi phạm.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, Sở Xây dựng chủ động báo cáo, trao đổi với Bộ Xây dựng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, giám sát các công trình xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm về xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Văn bản của UBND TP.HCM cũng giao Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ số lượng biên chế công chức được UBND Thành phố giao hàng năm để rà soát, bố trí số lượng công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự xây dựng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn…

UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát, thống kê các quyết định xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn; tổ chức cưỡng chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng còn tồn đọng theo quy định pháp luật và thẩm quyền.