15:55 20/11/2023

TP.HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu khách quốc tế năm 2024

Tường Bách

Năm 2023, khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt là 5 triệu lượt khách tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa khoảng 35 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 160.000 tỉ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Du lịch TP.HCM vừa báo cáo tình hình phát triển du lịch năm 2023 và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2024. Theo đó, dự kiến trong năm 2023, ngành du lịch thành phố (TP) sẽ hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm là đón khách quốc tế khoảng 5 triệu lượt, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch ước đạt 160.000 tỉ đồng.

TẬP TRUNG HOÀN THIỆN, NÂNG CHẤT SẢN PHẨM

Sở Du lịch thành phố cho biết trong năm nay công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được triển khai với điểm nhấn là "mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng"; thúc đẩy du lịch văn hóa lịch sử; du lịch đường thủy; du lịch y tế; du lịch MICE; nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực… góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến thành phố. Bên cạnh đó là liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch.

Năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng. Trong điều kiện kinh tế, chính trị ổn định, các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan được khôi phục, du lịch TP.HCM hy vọng sẽ đón được lượng khách lớn từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc..

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngoài tập trung hoàn thiện, nâng chất các sản phẩm du lịch hiện có, TP sẽ phát triển sản phẩm gắn với văn hóa lịch sử, nghệ thuật; du lịch đường thủy nội đô và liên tuyến gắn với các tỉnh, thành; du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…., hướng tới triển khai chương trình “TP.HCM - 100 điều thú vị”. TP còn xác định chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với 6 vùng và 46 tỉnh, thành trọng tâm là xây dựng, phát triển các sản phẩm liên kết (thời gian lưu trú tối thiểu hai ngày tại TP), triển khai ứng dụng công nghệ…

Năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa.
Năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa.

Sở Du lịch TP còn có kế hoạch nâng chất sự kiện thường niên như Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20, lễ hội Sông nước lần 2, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024)… Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP.HCM nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đồng thời, sở này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Những sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển… sẽ được chú trọng, bên cạnh hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận huyện và TP Thủ Đức.

NHỮNG ĐỀ XUẤT CHO THỜI GIAN TỚI

Hiện TP.HCM vẫn là trọng điểm du lịch chính của Việt Nam bên cạnh Hà Nội, Đà Nẵng cũng như điểm xuất phát của các hành trình khám phá cụm miền Tây Nam Bộ, Phan Thiết, Đà Lạt hoặc mở rộng ra các nước Campuchia, Lào, Thái Lan bằng đường bay, đường bộ, đường sông. Khi chính sách tăng thời gian lưu trú đối với khách quốc tế thật sự phát huy hiệu quả, dự báo từ đầu tháng 12/2023, lượng khách quốc tế đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục tăng.

Để định vị du lịch TP.HCM trên bản đồ quốc tế, các doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM nhận định thành phố cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. Hơn nữa, tăng cường kết nối giữa các địa phương tạo tính đa dạng trong sản phẩm du lịch để khách có nhiều lựa chọn.

Những sản phẩm du lịch phục vụ thị trường có nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày sẽ được chú trọng.
Những sản phẩm du lịch phục vụ thị trường có nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày sẽ được chú trọng.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá thị trường quốc tế nhằm tăng lượng khách, đồng thời, tăng sự cạnh tranh giữa các sản phẩm du lịch đặc trưng tại thành phố. Bởi lẽ, khi có nguồn khách đến, doanh nghiệp du lịch cùng địa phương có động lực để làm mới sản phẩm, nâng cao trải nghiệm của du khách. Từ đó, mở rộng sức lan tỏa của sản phẩm du lịch trên thị trường quốc tế.

Trong báo cáo phát triển du lịch 10 tháng năm 2023, Sở Du lịch TP.HCM hôm 14/11 cho rằng mặc dù Việt Nam đã triển khai visa điện tử ở tất cả thị trường, hồ sơ, thủ tục liên quan đến phê duyệt visa còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, gây mất thời gian cho du khách. Theo một số đơn vị chuyên inbound (đón khách nước ngoài), du khách nước ngoài xin e-visa vào Việt Nam sẽ mất khoảng 5 - 7 ngày chờ duyệt (không tính cuối tuần). Tuy nhiên, thời gian này có thể lâu hơn nếu du khách nhập sai thông tin trong quá trình nộp hồ sơ.

Bên cạnh đó, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang miễn thị thực cho quá ít thị trường. Indonesia miễn visa cho khoảng 169 quốc gia và vùng lãnh thổ; Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Brunei lần lượt là 166, 156, 150, 60 và 54… "Điều này dẫn đến việc lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian để được duyệt nên dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch", báo cáo viết. Do đó, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực theo đoàn của các doanh nghiệp lữ hành.

Công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được triển khai với điểm nhấn là "mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng".
Công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được triển khai với điểm nhấn là "mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng".

Còn tại Hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ chủ đề “Phát triển du lịch nhanh, bền vững", lãnh đạo TP.HCM đã có bốn đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành. Thứ nhất, TP đề xuất Chính phủ chấp thuận gia hạn thời gian thi hành Nghị định 94 năm 2021 của Chính phủ về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2024. Thứ hai, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu tham mưu Chính phủ mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, rút gọn quy trình cấp thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Thứ ba, TP đề nghị Bộ VH-TT&DL phối hợp Bộ Ngoại giao xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại các nước để mở rộng thị phần ở thị trường trọng điểm, xúc tiến các thị trường tiềm năng. Bộ VH-TT&DL phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá tại, triển khai hoạt động của Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia

Ngoài ra, TP đề nghị Bộ Bộ VH-TT&DL đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch, hệ thống dữ liệu dùng chung về du lịch, cũng như xây dựng điểm đến an toàn cho du khách. Thứ tư, cần triển khai nhanh quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045.