10:01 21/12/2021

TP.HCM xin giảm 5.900 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2021

Mộc Minh

Nguyên nhân TP.HCM xin giảm vốn đầu tư công từ nguồn ODA vay lại là tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 33,8% so kế hoạch…

Lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ tại TP.HCM.
Lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ tại TP.HCM.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký công văn khẩn gửi Bộ Tài chính về đăng ký điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Theo đó, cuối năm 2020, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công của thành phố với tổng số 8.934,535 tỷ đồng nguồn vốn ODA vay lại cho 04 dự án. Tuy nhiên, ước giải ngân vốn năm 2021 của cả 04 dự án chỉ đạt 3.025,165 tỷ đồng, tương đương 33,8%.

Vì vậy, UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh giảm tổng cộng 5.909 tỷ đồng tiền vốn ODA năm 2021 cho 04 dự án.

Trong 04 dự án, chỉ có dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 01 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 01) có tỷ lệ giải ngân năm 2021 ước đạt trên 42% (khoảng 2.779 tỷ đồng trên tổng số 6.562 tỷ đồng được giao), các dự án còn lại đều rất thấp.

Cụ thể, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) chỉ giải ngân được vỏn vẹn 1,6% (khoảng 13 tỷ đồng trên tổng số 790 tỷ đồng được giao).

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM chỉ giải ngân gần 5,6% (khoảng 33 tỷ đồng trên tổng số 592 tỷ đồng được giao). Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2) giải ngân 20,2% (khoảng 200 tỷ đồng trên tổng số 990 tỷ đồng được giao).

Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm giải ngân nguồn vốn ODA là do dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng, nhất là các dự án nằm trong vùng có tỉ lệ nhiễm bệnh cao.

Đồng thời, biến động giá cả và tình trạng khan hiếm cục bộ về vật liệu xây dựng, thiếu hụt nhân công do người dân quay về địa phương…

Về chủ quan, các công tác chuẩn bị đầu tư dự án như bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thẩm định chậm triển khai;  dự báo nhu cầu, kế hoạch vốn chưa sát thực tế; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh hiệp định vay nên chưa thể giải ngân…

TP.HCM cam kết chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao khả năng giải ngân hết số vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2021 sau khi được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh giảm.

 

Trước đó, cuối tháng 11/2021, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân bổ đủ số vốn ngân sách Trung ương trong nước theo nhu cầu vốn thành phố đã báo cáo tại Công văn 3053 (ngày 13/9/2021) đối với dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (300 tỷ đồng) với số vốn bổ sung là 180 tỉ đồng.

Đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 nguồn vốn ngân sách Trung ương nước ngoài theo nhu cầu của thành phố là hơn 1.870 tỉ đồng.

Cụ thể, bố trí bổ sung đủ vốn cho Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ- Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (366 tỷ đồng) với số vốn là 176 tỷ đồng.

Bố trí bổ sung đủ vốn cho dự án Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2 (WB) theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (600 tỷ đồng) với số vốn là 200 tỷ đồng.

Bố trí bổ sung đủ vốn cho Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM (SECO) theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (100 tỷ đồng) với số vốn là 50 tỷ đồng.

Bố trí bổ sung đủ vốn cho dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (hơn 1.504 tỷ đồng) với số vốn là hơn 1.444 tỷ đồng.