01:22 16/03/2007

Trái cây đặc sản khó xoay xở

Khôi Nguyên

Theo TS. Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây, nhược điểm lớn nhất của ngành trái cây ĐBSCL là không có thị trường

Tính đến đầu năm 2006, ĐBSCL đã thành lập được 9 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái.
Tính đến đầu năm 2006, ĐBSCL đã thành lập được 9 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái.
Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vựa lúa của cả nước, nhưng cây ăn trái cũng là một thế mạnh không kém gì cây lúa. Cây ăn trái được trồng rất nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Trái cây đặc sản đóng vai trò rất lớn trong việc giúp nhà vườn vươn lên làm giàu. Trong quá trình phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, các hợp tác xã sản xuất - kinh doanh đóng vai trò rất lớn.

Tính đến đầu năm 2006, ĐBSCL đã thành lập được 9 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái và khoảng 38 doanh nghiệp tư nhân tham gia thu mua trái cây đặc sản chiếm khoảng 5 – 6% sản lượng toàn vùng, tương đương 237.000 tấn.

Mô hình chưa đủ sức thuyết phục

Trong những năm qua, các vườn cây ăn trái ở ĐBSCL ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn về chất lượng, nhưng nhà vườn vẫn không tránh khỏi cảnh lao đao vì giá cả. Để sản phẩm trái cây không bị ách tắc, đầu ra luôn là mối quan tâm của chính quyền địa phương.

Ông Trịnh Văn Tuấn, ở ấp Tân Qui II cho biết, ông có 26 công vườn với các loại trái cây như nhãn, bưởi Năm Roi, cam chanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt. Nhưng hiện nay nhà vườn còn lệ thuộc rất nhiều vào thương lái, vật tư nông nghiệp và cả nhân công. Bà con rất muốn được chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào canh tác, vì phần lớn nhà vườn tự tìm tòi học hỏi. Riêng các loại cây ăn trái đặc sản cũng chưa được quan tâm.

Hàng năm ĐBSCL sản xuất ra lượng trái cây rất lớn, phẩm cấp và quy cách chưa đồng đều. Quy mô sản xuất hộ manh mún, nhỏ lẻ, trên cùng một mãnh vườn nhưng trồng rất nhiều loại cây ăn trái, từ đó làm cho công tác thu mua xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Để có được nguồn hàng hoá dồi dào đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, sau một thời gian dài tìm giải pháp đầu ra cho trái cây ở ĐBSCL, bằng việc thành lập các hợp tác xã, xây dựng thương hiệu... đã tạo cho nhà vườn tin tưởng và đặt nhiều hy vọng.

Năm 2004, các hợp tác xã sản xuất - kinh doanh trái cây đặc sản ĐBSCL ra đời. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, phần lớn các hợp tác xã đều có quy mô sản xuất nhỏ từ 19 - 60 ha, số hộ xã viên từ 13 - 60 hộ và vốn điều lệ từ 30 - 128 triệu đồng.

Theo đánh giá của Viện Thiết kế quy hoạch nông nghiệp, năm 2005, có 9 hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, trong đó chỉ có Hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc kinh doanh có lãi. Hợp tác xã cam sành Tam Bình không lãi, Hợp tác xã tiêu thụ xoài Hoà Hiệp lỗ 45 triệu đồng và có 4 hợp tác xã có lãi rất thấp.

Theo Ban chủ nhiệm của các hợp tác xã, hoạt động hiện nay của các hợp tác xã cũng giống như thương lái. Song hiệu quả kém xa thương lái do ít kinh nghiệm, ít bạn hàng, ít vốn và phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Việc thành lập các hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cây ăn trái, nhằm mục đích mở rộng quy mô trồng cây ăn trái đặc sản, gắn sản xuất với tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cây ăn trái đặc sản của vùng ĐBSCL.

Đến hết năm 2006, kết quả từ mô hình trên chưa có sức thuyết phục. Ngay cả hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu hàng hoá như Hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc, Hợp tác xã cam sành Tam Bình, Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre.

Sáu vấn đề đang tồn tại ở các hợp tác xã

Có 6 nguyên nhân khiến các hợp tác xã cây ăn trái đặc sản hoạt động chưa đạt mục tiêu đề ra như khi thành lập. Thứ nhất, các hộ xã viên chưa nhận thức đầy đủ lợi ích, quyền lợi gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia hợp tác xã nên bà con chưa thật sự tự nguyện làm đúng theo cam kết. Thứ hai, Năng lực và trình độ lãnh đạo của Ban chủ nhiệm các hợp tác xã còn kém.

Thứ ba, Thiếu đề án sản xuất kinh doanh cụ thể mang tính khoa học và tính khả thi. Thứ tư, hợp tác xã thành lập theo quyết định của UBND huyện, thị xã, song khi đi vào hoạt động hợp tác xã rất ít nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ có hiệu quả của hệ thống chính trị địa phương và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Thứ năm, hợp tác xã thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu vốn, chế độ cho Ban chủ nhiệm hợp tác xã chưa hợp lý. Thứ sáu hợp tác xã kinh doanh phải chịu thuế giá trị gia tăng nên không cạnh tranh được với thương lái.

TS. Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho biết, nhược điểm lớn nhất của ngành trái cây ĐBSCL là không có thị trường. Không phải chúng ta không có giống trái ngon, nông dân không trồng được, mà do chúng ta chưa có qui hoạch. Giống cây trồng thì lộn xộn, mua giống trôi nổi. Nhiều vườn tạp, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vât. Sản xuất manh mún nhỏ lẻ, ứng dụng kỹ thuật không đồng bộ, thu gom vận chuyển mua bán hoàn toàn do thương lái, bạn hàng...

Ngày 11/7/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/CP về một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, nhưng các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Nếu so sánh với các hợp tác xã sản xuất rau an toàn thì rõ ràng việc củng cố và phát triển sản xuất – kinh doanh cây ăn trái đặc sản cần có nhiều chính sách kích cầu hơn.

Khi gia nhập WTO, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có nhiều cơ hội. Việc hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung là ý tưởng đúng và cũng là yêu cầu khách quan trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thực tế ở các hợp tác xã cây ăn trái đặc sản vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết, quy mô nông hộ nhỏ và phân tán, đó là trong bối cảnh sản xuất cây ăn trái hiện nay ở ĐBSCL.

Để thay đổi bộ mặt sản xuất, kinh doanh trái cây ở ĐBSCL, trước mắt phải tổ chức lại các khâu sản xuất, thu mua và bảo quản. Tiêu thụ là một trong những nhóm giải pháp rất cơ bản, trong đó cần củng cố, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã sản xuất cây ăn trái đặc sản. Tuyên truyền vận động để nhà vườn thấy rõ lợi ích và tự nguyện tham gia các hợp tác xã theo từng ngành và từng khu vực địa lý. Củng cố và thành lập mới hợp tác xã phải gắn với những dự án đầu tư và phát triển và những chính sách hỗ trợ cụ thể, nhằm khuyến khích nhà vườn tham gia. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả như: hỗ trợ cây giống, vốn vay, thiết bị sản xuất kinh doanh và đào tạo nhân lực...