Tránh lập lờ trong quy phạm sản xuất nước mắm
Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng cho "nước mắm truyền thống" và nước mắm pha chế quy mô công nghiệp chứ không để chung một văn bản như hiện nay
Nhiều ý kiến đã cho rằng, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607 - 2019) do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, soạn thảo có những tiêu chí không phù hợp, phản ánh sai lạc, áp đặt, gây bất lợi cho nghề chế biến nước mắm truyền thống.
Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tạm dừng dự thảo tiêu chuẩn nói trên để tiếp tục lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, hiệp hội về các nội dung nêu trong dự thảo tiêu chuẩn.
Thành công của nước mắm truyền thống Việt
Có thể nói, vượt qua các rào cản kỹ thuật để đưa sản phẩm nước mắm truyền thống xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản là một thành công của những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kể, cách đây hơn 20 năm, ông có dự một cuộc hội thảo do Việt Nam và Pháp đồng tổ chức về chỉ dẫn địa lý. Sau đó, hai bên có ký một bản thoả thuận, theo đó Pháp sẽ giúp Việt Nam đăng bạ chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm của Việt Nam, trong đó có nước mắm Phú Quốc tại EU. Và đến nay đã thành hiện thực.
Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng châu Âu được sử dụng nước mắm Phú Quốc chính hiệu mà còn giúp đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm truyền thống của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Lật lại câu chuyện về dự thảo TCVN 12607 - 2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, ông Hùng cho rằng, để quản lý chất lượng nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp, ngoài việc ban hành quy chuẩn Việt Nam là quy định bắt buộc áp dụng, thì việc ban hành TCVN là để khuyến khích áp dụng, nhưng cũng phải rạch ròi.
TCVN ban hành không chỉ giúp quản lý chất lượng sản phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước mà còn tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Song lâu nay người tiêu dùng đã dần dần hiểu ra thế nào là nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, việc ban hành tiêu chuẩn phải gắn với tên gọi sản phẩm, hàng hoá.
Do vậy, định nghĩa về nước mắm phải thể hiện được bản chất của nước mắm. "Thực ra, Quy chuẩn Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về "nước mắm". Chính vì vậy, ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi cho rằng, khái niệm về "nước mắm" đưa ra trong TCVN cũng phải nhất quán với Quy chuẩn Việt Nam, bảo đảm tính chính xác, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng", ông Hùng nói.
Mặt khác, theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngay cả đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, thông tin gây nhầm lẫn về hàng hoá cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm.
Ông cũng bổ sung, có thêm nước mắm công nghiệp cũng giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Thực tế có rất nhiều người lựa chọn bởi hợp túi tiền, khẩu vị. Còn nước mắm truyền thống đã được sử dụng từ nhiều đời nay cũng là sự thử thách qua thời gian nên nó sẽ tiếp tục trường tồn. Vấn đề là thông tin chính xác về hàng hoá để người tiêu dùng lựa chọn.
Cần phân loại, định nghĩa "nước mắm"
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng cho rằng, việc lùng nhùng hiện nay là do cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Ở thị trường hiện nay, tồn tại hai khái niệm "nước mắm truyền thống" với "nước chấm" không rõ ràng. Khi không có tiêu chuẩn rõ ràng nên không có căn cứ để đánh giá. Do đó, các cơ quan nhà nước phải ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp một cách rõ ràng. Văn bản quy định phải riêng rẽ cho từng loại này. Nếu loại nào không đạt yêu cầu thì coi như vi phạm.
Ông Bảo đề xuất, nên gọi là "nước mắm truyền thống" và "nước chấm công nghiệp" hoặc "nước chấm". Có nghĩa, nước mắm được chế biến theo phương pháp truyền thống từ cá biển và muối ăn mà nhân dân Việt Nam chúng ta đã sản xuất từ hàng ngàn năm nay thì gọi là "nước mắm".
Bất kỳ loại nước mắm nào đã được pha chế sẵn bằng việc bổ sung phụ gia, điều vị, hương liệu, chất tạo màu, hóa chất bảo quản... đều không được gọi là "nước mắm" mà phải gọi bằng tên khác như "nước chấm công nghiệp"...
Là một sản phẩm có tầm vóc quốc gia và quốc tế vì sản phẩm nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU công nhận đạt chỉ dẫn địa lý "nước mắm Phú Quốc", ở góc độ doanh nghiệp, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Hội nước mắm Phú Quốc, cũng kiến nghị, cần có hội thảo với sự tham gia của các nhà văn hoá, nhà khoa học, các chuyên gia về nước mắm cùng các cơ quan ban ngành, các hiệp hội, các nhà thùng sản xuất nước mắm cả nước để phân loại, định nghĩa các thuật ngữ "nước mắm truyền thống" và "nước mắm".
Đồng thời, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho "nước mắm truyền thống" và nước mắm pha chế quy mô công nghiệp chứ không để chung một văn bản như hiện nay.