Triển khai gói 26.000 tỷ: "Người dân khát khao lắm rồi, đừng thờ ơ"
"Trong số các địa phương làm tốt lại là địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Địa phương dễ nhất thì lại làm không tốt. Dân người ta khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên chúng ta đừng thờ ơ với việc này”...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh nội dung này tại hội nghị trực tuyến về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 5/8.
KHÔNG PHÁT SINH THỦ TỤC
Báo cáo kết quả triển khai gói hỗ trợ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 4/8, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.
Có 22/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 136 đơn vị sử dụng lao động cho 17.657 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 108 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 124.001 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 10.687 đơn vị sử dụng lao động. Đến nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với tổng kinh phí gần 98,3 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, có 17/63 địa phương đã phê duyệt hỗ trợ trên 24.200 hộ bị tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho trên 7.100 hộ với tổng số tiền gần 15,8 tỷ đồng. Hiện còn 46 địa phương chưa triển khai.
Về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, có 369 đơn vị sử dụng lao động đã đến cơ quan bảo hiểm xã hội xin xác nhận cho 55.923 người lao động để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đến nay, 31/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 người sử dụng lao động để trả lương 34.895 lao động, nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương cho 26.547 lao động, với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng.
Về hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, đã có 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động được hỗ trợ.
Hiện 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng. Trong nhóm 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, đã chi trả hỗ trợ khoảng 767.000 người, với tổng kinh phí 1.037 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang đi đúng hướng. Chính sách đã thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện tối đa để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận.
Đến nay, cả 63 địa phương đã ban hành kế hoạch hướng dẫn thực hiện. “Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như: Hải Dương 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng, Thái Nguyên 57 tỷ đồng…So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42 năm 2020 là một bước tiến bộ vượt bậc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Nhiều chính sách đã được các địa phương triển khai xong, đạt kết quả tốt và không phải thêm một thủ tục hành chính nào. Đặc biệt chính sách hỗ trợ lao động tự do – nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất, nặng nề nhất đợt này đã được triển khai rất tốt, điển hình là TP.HCM.
KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN XONG HỖ TRỢ TIỀN MẶT
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, vẫn còn sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương. “Nhu cầu xã hội bức bách như thế nhưng vẫn còn nhiều địa phương coi nhẹ chủ trương, không chú ý đến đời sống người dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh thành chia 3 nhóm để triển khai hỗ trợ. Trong đó, với các tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính sách hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” và các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Trong số các địa phương làm tốt lại là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy không phải khó khăn là không thực hiện tốt mà cho thấy những địa phương dễ nhất thì lại làm không tốt. Dân người ta khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên chúng ta đừng thờ ơ với việc này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Nơi nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nơi nào chưa quan tâm thì phải quan tâm hơn. Nguyên tắc là giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, không được tăng thời gian về xử lý quy trình.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ cho nhóm phát tiền mặt F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, doanh nghiệp. Các địa phương chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ, không thể thụ động chờ đợi. Đồng thời, tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do, nhất là các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa.
Với các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16, cần phân loại nhóm hỗ trợ, riêng nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai. Cùng với đó, tập trung triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn đóng từ bảo hiểm xã hội và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay.
“Riêng nhóm 26 tỉnh hiện nay đang thực hiện Chỉ thị 16, phương châm lúc này là tập trung cái ăn, cái mặc cho người dân, người lao động trên nguyên tắc đảm bảo không để ai bị thiếu đói”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.