Trồng lúa thơm xuất khẩu: Cần quy hoạch đồng bộ
Chất lượng gạo thơm không ổn định sẽ là một nguy cơ đối với thị trường, gây ảnh hưởng tới việc tạo dựng thương hiệu gạo thơm của Việt Nam
9 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gạo đạt 4,686 tấn và 2,483 tỷ USD, trong đó, gạo thơm các loại chiếm 1,437 triệu tấn, gạo cao cấp 1,050 triệu tấn, gạo trung bình là 870,56 triệu tấn gạo; đặc biệt gạo cấp thấp chỉ có 91,52 ngàn tấn. Qua đó cho thấy ngành gạo đang đi đúng theo chiến lược phát triển thị trường của Thủ tướng chính phủ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030, với mục tiêu là giảm dần về số lượng nhưng vẫn giữ ổn định và tăng về giá trị.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất các giống lúa chất lượng cao và tăng lượng gạo thơm ngon xuất khẩu.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hai vụ lúa chính trong năm. Bên cạnh đó, vùng trồng ba vụ đã và đang tăng khoảng 600.000 ha. Chiếm 54% sản lượng lúa gạo của Việt Nam (cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu), cung cấp 23-25 % tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới.
Khối lượng gạo thơm chiếm tỷ lớn trong cơ cấu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 9/2018 đạt 400.440 tấn, 99,631 triệu USD. Giá bình quân đạt 498 USD/tấn (FOB), so với cùng kỳ năm 2017 giảm 22,32% về khối lượng và giảm 11,14% về giá trị.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,686 tấn, trị giá 2,483 tỷ USD. Trong đó, hợp đồng tận trung đạt 492 ngàn tấn, chiếm 10,50%, hợp đồng thương mại chiếm 89,50%. Giá xuất khẩu bình quân tăng 46,92 USD/tấn.
Tính đến hết tháng 9/2018, lượng hợp đồng đăng ký đạt 5,705 triệu tấn gạo, trong đó, hợp đồng tập trung là 691 triệu tấn, chiếm 11,46%; hợp đồng thương mại là 5,014 triệu tấn, chiếm 88,54%. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 2,94%.
Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, chủng loại gạo xuất khẩu thay đổi rất rõ, theo đó, gạo cao cấp 1,050 triệu tấn, gạo trung bình là 870,56 triệu tấn gạo; gạo cấp thấp 91,52 ngàn tấn; gạo thơm các loại 1,437 triệu tấn; gạo nếp đạt 637,484 ngàn tấn; gạo Japonica 86,86 ngàn tấn… Có được kết quả này là nhờ những thay đổi tích cực trong chiến lược xuất khẩu.
Song, theo các chuyên gia, mặc dù gạo Việt Nam dù đã xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào 4 thị trường châu Á chủ yếu, gồm: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Phillippines, trong khi nhu cầu gạo của 4 thị trường này lên xuống khá thất thường.
Do vậy, để xuất khẩu gạo ổn định và bền vững cần đẩy mạnh công tác xúc tiến để hạt gạo Việt vào được nhiều thị trường hơn nhằm phân tán rủi ro. Việc mở rộng hợp tác và đi sâu khai thác các thị trường mới không chỉ giúp tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp hoạt động xuất khẩu gạo bền vững hơn.
Chưa có sự gắn kết và thiếu quy hoạch đồng bộ
Theo ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong số 4,686 triệu tấn gạo xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm, gạo phẩm cấp cao, chất lượng cao chiếm tới 80% cơ cấu xuất khẩu. Đặc biệt, gạo thơm các loại có khối lượng xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 1,438 triệu tấn.
Qua đó cho thấy chúng ta đã và đang làm rất tốt công tác mở rộng thị trường, đa dạng hóa không phụ thuộc vào 1 thị trường, đã tạo ra cú hích với những thị trường mới, một số nước như Indonesia, Trung Đông và Châu Phi có thể là điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chất lượng gạo thơm hiện nay chưa đồng nhất mà có sự pha trộn, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín gạo thơm của Việt Nam. Có một vấn đề đặt ra khi chuyển đổi cơ cấu diện tích trồng lúa từng địa phương chưa có một sự gắn kết, và thiếu quy hoạch đồng bộ cho nên diện tích trồng lúa thơm diễn ra manh mún.
Trên thực tế, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trồng rất nhiều giống lúa thơm, có một số xuất được sang thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và một số nước khu vực châu Phi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay bà con trồng nhiều giống lúa thơm khác nhau nên khi thu hoạch không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn, mỗi loại chỉ xuất bán được một vài container là hết hàng, muốn xuất bán số lượng lớn khoảng 30 - 40 ngàn tấn/tàu như trước đây thì không được vì không có đủ sản lượng.
Để có khối lượng lớn, các doanh nghiệp phải đi mua gom các giống lúa thơm khác nhau trộn lại như vậy chất lượng sẽ không đồng nhất, làm ảnh hưởng tới chất lượng gạo thơm xuất khẩu và ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Nếu chất lượng gạo thơm không ổn định sẽ là một nguy cơ đối với thị trường và như vậy việc tạo dựng thương hiệu gạo thơm của Việt Nam sẽ có vấn đề!
Thực hiện quyết định 45 của Thủ tướng chính phủ đối với ngành lương thực, Tổng công ty Cổ phần Lương thực Miền Nam (VNF 2) đã thực hiện liên kết sản xuất với các hợp tác xã. VNF 2 đã triển khai xuống các đơn vị trực thuộc và cùng các địa phương liên kết với các hợp tác xã trồng lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, bền vững môi trường để từng bước đi vào ổn định và xây dựng thương hiệu, phương án đã có đầy đủ, một số đơn vị đã có liên kết sản xuất và quản lý được chất lượng nhưng diện tích không nhiều, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
"Tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng do thiếu tính liên kết trong quy hoạch sản xuất nên đến nay nghề trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, không tạo được một sản phẩm hàng hóa cùng chủng loại với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thường xuyên của thị trường. Đó là hạn chế lớn nhất trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam", ông Nam nhấm mạnh.