Trung Quốc coi phát triển xanh là màu cơ bản của phát triển chất lượng cao
Quốc gia "tỷ dân" ngày càng coi tăng trưởng xanh, sản suất xanh là ưu tiên đầu tư phát triển để hướng đến mục tiêu trở thành siêu cường về công nghệ của thế giới...
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã kết thúc vào ngày 18/7/2024 tại thủ đô Bắc Kinh. Các nhà quan sát nhận thấy nhiều tín hiệu mới từ cuộc họp của ban lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển bền vững.
SỰ XUẤT HIỆN CỦA “LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT MỚI”
Thông cáo từ Hội nghị có những nội dung tập trung vào “phát triển kinh tế chất lượng cao”, “hỗ trợ đổi mới toàn diện” và “đi sâu cải cách hệ thống văn minh sinh thái”.
Thông cáo cũng kêu gọi các cơ quan liên quan “nỗ lực chung để cắt giảm lượng khí thải carbon”, “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” và “cải thiện các cơ chế thể chế để phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới” (New Quality Productive Forces - NQPF).
Đây là lần đầu tiên lượng khí thải carbon được đề cập trong một văn bản toàn thể của Hội nghị Trung ương Trung Quốc.
Cụm từ “Lực lượng sản xuất chất lượng mới” (NQPF) lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến vào tháng 9/2023 trong chuyến thăm tỉnh Hắc Long Giang nằm ở vành đai Đông Bắc Trung Quốc.
Theo đó, một yếu tố quan trọng của NQPF là “phát triển xanh” và đây là “màu cơ bản của phát triển chất lượng cao”. Ông Tập cũng nói thêm rằng “bản thân năng suất chất lượng mới chính là năng suất xanh”.
Tháng 1/2024, Chủ tịch Tập Cận Bình định nghĩa thêm rằng đó là sự phát triển do đổi mới dẫn đầu, tạo ra “một sự đột phá với các mô hình tăng trưởng kinh tế và con đường phát triển truyền thống”, dẫn đến “mức độ công nghệ, hiệu quả và chất lượng cao” cũng như “sự chuyển đổi và nâng cấp sâu sắc của ngành công nghiệp”.
Theo nhóm nghiên cứu Chính sách đổi mới công nghiệp trực thuộc Đại học Cambridge (Anh), những diễn ngôn này đánh dấu hướng tiếp cận mới trong các cuộc thảo luận chính thức về NQPF tại Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến một loạt các thay đổi trên toàn bộ hệ thống công nghiệp cả về công nghệ và thể chế, cũng như cải thiện năng lực sản xuất tiên tiến của quốc gia tỷ dân.
Tuy nhiên, đổi mới và công nghệ tiên tiến không phải là trọng tâm duy nhất. Phân tích của The Council on Geostrategy cho biết việc đóng khung NQPF “cho thấy trong khi đổi mới khoa học và công nghệ là điều cần thiết, Trung Quốc thừa nhận rằng cũng cần phải có những cải cách sâu sắc hơn đối với mô hình kinh tế”.
Các lĩnh vực ưu tiên cải cách bao gồm nền kinh tế dựa trên thị trường; doanh nghiệp nhà nước (SOE); và hệ thống tài chính, đăng ký hộ khẩu và chăm sóc sức khỏe.
Theo Viện nghiên cứu của Tân Hoa Xã, những cải cách kinh tế này được thúc đẩy bởi cả “bàn tay hữu hình” của chính phủ và “bàn tay vô hình” của thị trường. Điều này là cần thiết cho sự thịnh vượng liên tục của Trung Quốc.
“NĂNG SUẤT XANH” GIÚP DẪN ĐẦU “CHUYỂN ĐỔI XANH”
Hầu hết các giải thích chính thức về khái niệm NQPF đều tương đối rộng, tuy nhiên, phát triển carbon thấp là một trong số ít các ưu tiên được nêu tên.
NQPF sẽ cung cấp “sự hỗ trợ quan trọng cho phát triển xanh. Bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ năng suất và cải thiện môi trường sinh thái là để phát triển năng suất”, theo một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc.
Giáo sư Zhang Yunfei, khoa nghiên cứu Chủ nghĩa Marx tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc), chia sẻ với tờ China Environment News rằng NQPF đại diện cho một mô hình phát triển dành riêng cho Trung Quốc. Điều này trái ngược với “lực lượng sản xuất truyền thống trong xã hội phương Tây” hay “năng suất đen” - nơi chứng kiến “mức tiêu thụ tài nguyên và năng lượng cao, cũng như mức ô nhiễm môi trường sinh thái cao”.
Thay vào đó, NQPF biểu thị “năng suất xanh” giúp Trung Quốc “dẫn đầu trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy sự phát triển xanh và lành mạnh”. Giáo sư Zhang cho biết thêm, “năng suất xanh” là năng suất bền vững, tập trung vào cả hệ sinh thái và các động lực sinh thái thúc đẩy sự phát triển bao trùm hơn.
Các động lực thúc đẩy bao gồm các nguồn tài nguyên bền vững như thông tin, thế hệ công nhân mới hiểu về nền văn minh sinh thái và mức độ phát triển bền vững được nâng cao dựa trên khoa học và công nghệ xanh.
Khái niệm NQPF được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra là một cách tiếp cận toàn diện “được thiết kế để giải quyết những hệ thống thách thức phức tạp mà Trung Quốc phải đối mặt, tạo ra một nền kinh tế năng động và kiên cường hơn, mang lại sự thịnh vượng lâu dài”, nhà phân tích chính sách cấp cao từ Viện nghiên cứu Ember Climate, TS. Muyi Yang, chia sẻ với Carbon Brief.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, Arthur Kroeber, cho rằng NQPF là “phiên bản mới nhất của xu hướng lâu dài hướng tới chính sách công nghiệp, công nghệ và tăng trưởng mạnh mẽ” của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng điều mà NQPF làm được là nhấn mạnh vào một sứ mệnh quốc gia là xây dựng Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ”, Kroeber nói thêm.
Ngoài việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh, giới quan sát cũng cho rằng việc bước đi đổi mới này sẽ mang lại cho Trung Quốc cảm giác an toàn hơn, nhất là qua bài học lịch sử từ sự rạn nứt với Liên Xô trong quá khứ.
Theo Tạp chí Cầu Thị, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tin rằng quốc gia này "vẫn phụ thuộc vào bên ngoài đối với một số công nghệ cốt lõi” và ngành công nghiệp của nước này vẫn chưa đủ mạnh và đạt đến mức xuất sắc mặc dù có quy mô lớn.
“Trung Quốc phải đối mặt với áp lực đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang các phương thức sản xuất xanh và ít carbon".
Đồng ý với quan điểm này, Giáo sư Yao Yang, Đại học Bắc Kinh, viết trong một bài bình luận cho tờ China Daily, khẳng định "ý nghĩa của khái niệm NQPF có mục tiêu bao trùm là ‘đặt nền tảng vững chắc cho tương lai của nền kinh tế Trung Quốc".