06:03 04/12/2021

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn được cấp phép hoạt động

Thanh Xuân

Đối tượng, phạm vi hoạt động kiểm định chất lượng là các cơ sở giáo dục đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4388/QĐ-BGDĐT này 19/11/2021 về việc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn. Thời gian có hiệu lực là 5 năm kể từ ngày ký.

Theo Quyết định này, đối tượng, phạm vi hoạt động kiểm định chất lượng của Trung tâm là các cơ sở giáo dục đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trung tâm được phép tổ chức các hoạt động đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, cấp và thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho đối tượng, phạm vi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo yêu cầu của cơ sở giáo dục hoặc tổ chức có thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn, trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

Trung tâm sẽ hoạt động theo quy định của các luật: Giáo dục, Luật Giáo dục đại học sửa đổi và một số văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; nghị định hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục đại học sửa đổi và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo quy định, sau khi thành lập, trung tâm phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đáp ứng đủ các điều kiện thì mới cấp giấy phép hoạt động chính thức.

Ngoài trung tâm trên, Việt Nam còn có 5 trung tâm kiểm định thuộc các cơ quan nhà nước là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia TP.HCM; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam.

Cùng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động tại Việt Nam như: FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm.

Được biết, đến năm 2020 Việt Nam có 460 trường đại học, cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Các chuyên gia cho rằng với số lượng trường lớn như vậy thì trung tâm kiểm định quy mô như hiện nay khó bảo đảm kiểm định toàn bộ các trường, chương trình đào tạo theo chu kỳ quy định. Vì vậy việc có thêm tổ chức kiểm định giáo dục được cấp phép hoạt động sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật cũng như bảo đảm năng lực, trình độ cán bộ khi tham gia công tác kiểm định. Đây là yếu tố quan trọng vì trên thực tế số lượng kiểm định viên được đào tạo, tập huấn, cấp thẻ hành nghề không nhỏ nhưng số lượng kiểm định viên có năng lực tốt để tham gia các đoàn kiểm định lại không nhiều. Bởi vậy mà tiến độ triển khai kiểm định chương trình đào tạo theo luật định không được như kỳ vọng.