17:03 10/06/2010

Trước thềm World Cup, Nam Phi “sốt” đủ thứ

Huy Anh

Nam Phi đang lên cơn "sốt" nhiều thứ như giá khách sạn, giá lương thực thực phẩm, giao thông vận tải

Nam Phi đã sẵn sàng khai màn World Cup 2010 - Ảnh: Getty.
Nam Phi đã sẵn sàng khai màn World Cup 2010 - Ảnh: Getty.
Càng gần đến giờ khai cuộc giải thi đấu bóng đá lớn nhất hành tinh (World Cup 2010), tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại Johannesburg, Cape Town và đặc biệt là thủ đô Pretoria càng trở nên nhiều hơn.

Hệ thống giao thông tại Nam Phi, nhất là mạng lưới đường cao tốc và giao thông tại các thành phố lớn đăng cai World Cup lần này khá tốt. Thêm vào đó, Nam Phi cũng đã chi mạnh tay, tới 1,2 tỷ USD, cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, nâng tổng mức chi phí chuẩn bị World Cup lên đến 3,5 tỷ USD.

Đó còn chưa kể đến việc nước này đã bỏ ra tới 3,3 tỷ USD để xây hẳn một đường sắt cao tốc mang tên Gautrain, dài 80 km. Tuyến đường sắt này sẽ tham gia phục vụ khoảng 350.000 du khách đến với Nam Phi dịp này.

Song với số lượng du khách nước ngoài tăng đột biến, nên việc ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. Những ngày gần đây đã xuất hiện hiện tượng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường "huyết mạch" nối liền chín thành phố đăng cai World Cup.

Đặc biệt là sự quá tải tại sân bay quốc tế OR Tambo, Cape Town và thành phố cảng lớn nhất Nam Phi Durban... khiến nhiều chuyến bay buộc phải tạm hoãn hoặc đến chậm so với thời gian dự kiến.

Nhằm đối phó với tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ và duy trì an ninh trật tự trong thời gian diễn ra World Cup 2010, Nam Phi bắt đầu triển khai lực lượng kỵ binh tại chín thành phố đăng cai các trận đấu của World Cup, đặc biệt tại thủ đô Pretoria, thành phố Johannesburg và Cape town.

Đây là lần đầu tiên nước chủ nhà sử dụng lực lượng cảnh sát này tham gia bảo vệ World Cup. Lực lượng kỵ binh được chia thành những tốp nhỏ từ 4-6 cảnh sát, trang phục dã chiến, điều khiển các chú ngựa to thuần chủng của Anh và tuần tra trên các tuyến phố chính tại các thành phố đăng cai World Cup.

Theo một sĩ quan cảnh sát kỵ binh, lực lượng cảnh sát mới này đã được tập huấn từ nhiều tháng nay, đặc biệt các chú ngựa "nòi" được nuôi dưỡng, huấn luyện cẩn thận, chu đáo tại các trang trại dành riêng.

Cùng với tình trạng ùn tắc, Nam Phi đang lên cơn "sốt" nhiều thứ như giá khách sạn, giá lương thực thực phẩm, giao thông vận tải... đặc biệt là trang phục "vàng-xanh" của đội tuyển nước chủ nhà (gọi theo tiếng địa phương là Bafana) và loại kèn truyền thống Vuvuzela (một loại kèn trumpet).

Trước thềm World Cup, Nam Phi “sốt” đủ thứ - Ảnh 1

Do gần 50 triệu dân đều muốn sở hữu chiếc áo "vàng-xanh" có in tên các cầu thủ đội nhà, giá chiếc áo này giờ đã tăng mạnh và rất khó mua. Bên cạnh đó, giá kèn Vuvuzela cũng tăng "chóng mặt", do nhiều người hâm mộ môn thể thao "Vua" trong nước và quốc tế muốn có một chiếc kèn truyền thống châu Phi.

Không chỉ tại nước chủ nhà World Cup, ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, thị trường mua bán áo “nhái” qua mạng của 32 đội tuyển có mặt tại vòng chung kết đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết đối với các fan hâm mộ bóng đá.

Theo TTXVN, giá một chiếc áo “nhái” World Cup có in tên cầu thủ chào bán qua mạng khoảng 50 Nhân dân tệ (7,5 USD), rẻ hơn nhiều lần so với giá 1.499 Nhân dân tệ (220 USD) đối với chiếc áo tương tự của hãng Adidas bày bán trong các cửa hàng cao cấp.

Trong ngày 6/6, trên 100.000 chiếc áo “nhái” trị giá 5 triệu Nhân dân tệ (735.000 USD) đã được giao dịch qua mạng. Áo “nhái” đội tuyển Tây Ban Nha đứng đầu danh sách tiêu thụ, với trên 17.400 chiếc. Tiếp theo là áo “nhái” của các đội tuyển Đức, Anh, Pháp, Argentina, Italy, Brazil, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Nhật Bản cũng tiêu thụ mạnh.

Tài Hải Băng, một người bán hàng rong ở tỉnh Quảng Đông, cho biết trong tháng 5 đã bán được 590 áo “nhái” của đội tuyển Argentina. Anh ta còn khoe đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đơn vị chuyên tổ chức những hoạt động giải trí ăn theo World Cup.

Những chiếc áo “nhái” sử dụng cùng chất liệu với hàng chính hãng khiến chúng trông rất “xịn.” Thực trạng này khiến các cửa hàng kinh doanh áo World Cup “xịn” méo mặt trong khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã cận kề. Luật Trung Quốc quy định bán đồ thể thao ăn cắp bản quyền là việc làm vi phạm có thể bị truy tố.