TS. Hương Trần Kiều Dung: Nhiều doanh nghiệp chiến lược có vai trò như “đại sứ du lịch”
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ vai trò của khu vực tư nhân
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển du lịch với tổng nhu cầu đầu tư vào du lịch là 1.931 nghìn tỷ đồng tương đương 94,2 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 8 - 10%, còn nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 90 - 92%.
Sứ mệnh này được các doanh nghiệp tư nhân tiếp thu và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Bàn về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong phát triển du lịch Việt, TS. Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho biết, tại nhiều địa phương có thể chứng kiến những doanh nghiệp chiến lược đóng vai trò như "đại sứ du lịch".
Bởi họ là đơn vị chủ động, trực tiếp lập kế hoạch, xây dựng và cung cấp sản phẩm du lịch chất lượng, có trách nhiệm đến người tiêu dùng. Họ tham gia tích cực vào quá trình khẳng định thương hiệu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến các thị trường trong, ngoài nước, cũng như gia tăng nhu cầu du lịch và kích cầu du lịch phát triển.
Doanh nghiệp cũng là mắt xích quan trọng kết nối các chủ thể liên quan đến du lịch. Trong quá trình nghiên cứu đầu tư, doanh nghiệp là lực lượng tham mưu, đồng hành và làm việc trực tiếp với chính quyền về chiến lược phát triển sản phẩm du lịch. Sau khi vận hành dự án, đây tiếp tục là đơn vị trực tiếp tuyển dụng lao động địa phương, tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chung.
"Cao nguyên Genting của Malaysia, từ một vùng núi khô nóng khắc nghiệt, dưới bàn tay và sự nỗ lực của doanh nhân Lim Goh Tong, đã biến thành một thành phố nghỉ dưỡng "trong mơ" danh tiếng – niềm tự hào của Malaysia.
Và Việt Nam tại sao lại không thể có những Genting tương tự? Đó là câu hỏi chúng tôi đã nghĩ đến khi lựa chọn chiến lược phát triển hệ sinh thái du lịch đồng bộ nhằm phục vụ tất cả mọi nhu cầu của du khách khi đến với Việt Nam", bà Dung cho biết.
Chính vì vậy, FLC đã chọn hướng đi là xây dựng những quần thể du lịch đầy đủ tiện ích tại các vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được chú ý khai thác, nhờ đó chuyển đổi hiệu quả những vùng đất hoang sơ thành những điểm đến cao cấp về du lịch, giải trí; tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế tại địa phương.
Đơn cử như lượng du khách đến với Thanh Hoá đã tăng từ hơn 4 triệu lượt khách năm 2014 đến 9,5 triệu lượt khách dự kiến trong năm 2019, chỉ 4 năm sau khi FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động, vượt xa mục tiêu đề ra. Hay với Bình Định, sau khi FLC Quy Nhơn khánh thành, Quy Nhơn từ một địa chỉ ít danh tiếng trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Những ví dụ như vậy cho thấy một quần thể du lịch hoạt động hiệu quả có thể tạo ra tác động lan tỏa tích cực và bền vững tới việc định vị hình ảnh điểm đến đặc trưng cho cả một quốc gia.
Bên cạnh hạ tầng lưu trú, sự kết nối giữa các vùng miền cũng là một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam. Đó là lý do FLC cho ra đời hãng hàng không Bamboo Airways với dịch vụ định hướng 5 sao và những đường bay thẳng kết nối trực tiếp các điểm du lịch của Việt Nam với trong nước và thế giới.
"Từ góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng một hệ sinh thái trọn vẹn như vậy sẽ mang lại những trải nghiệm toàn diện cho du khách với chi phí hợp lý và sản phẩm du lịch đa dạng. Từ đó phần nào giải quyết bài toán về hiệu quả khai thác du lịch mà Việt Nam đang đối mặt; đồng thời giúp thu hút và phân bổ đồng đều dòng khách chất lượng cao đến các điểm đến tiềm năng trên khắp Việt Nam, thay vì chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… như hiện nay", Tổng giám đốc Tập đoàn FLC khẳng định.
Để vận hành hệ sinh thái nói trên, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng cần được đầu tư đồng bộ, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch.
Với mong muốn có thể bước đầu tự chủ và phát triển nguồn nhân lực bền vững, Tập đoàn FLC đã khởi công Trường Đại học FLC tại Quảng Ninh trong tháng 8 vừa qua. Trường đào tạo ba lĩnh vực chính là du lịch, hàng không, công nghệ cao, với sự tuyển chọn kỹ lưỡng từ đầu vào cùng phương pháp giảng dạy tuân theo các chuẩn mực hàng đầu của quốc tế.
Thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa trường học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, mô hình này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam cũng như khu vực, từ đó tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự tăng trưởng đang ngày càng khởi sắc của du lịch Việt trong tương lai, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết.