10:00 11/07/2024

Từ vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát: Đề xuất bổ sung thêm quy định để thi hành án hiệu quả

Đỗ Mến

Thực tiễn tố tụng ghi nhận những vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng có số lượng đương sự “kỷ lục", địa chỉ ở rải rác khắc cả nước khiến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn. Bộ Tư pháp đang đề xuất có cơ chế xác minh thông tin thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng….

Các nhà đầu tư đến làm thủ tục trong phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh hồi tháng 3/2024.
Các nhà đầu tư đến làm thủ tục trong phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh hồi tháng 3/2024.

Ở giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu khống để chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

NHỮNG CON SỐ “KỶ LỤC”

Số lượng bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát được ghi nhận là 35.824 người. Tính đến thời điểm này, đây là con số “kỷ lục” về số lượng bị hại trong các vụ án kinh tế tham nhũng. Hiện nay cơ quan điều tra đã lấy được lời khai của 25.140 nhà đầu tư.

Còn theo thông báo của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, vụ án FLC có 30.043 bị hại và 63.092 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, trong vụ án Tân Hoàng Minh cũng ghi nhận số lượng nhà đầu tư lên đến hơn 6.600 người với số tiền phải thi hành án là hơn 8.600 tỷ đồng. Đặc biệt, các cơ quan điều tra đã thu hồi được toàn bộ số tiền trên.

Quá trình tố tụng cũng ghi nhận các vụ án có số lượng bị hại lên đến vài nghìn người như vụ Alibaba 4.580 bị hại, vụ án Lê Văn Quang hơn 1.600 bị hại, vụ Liên Kết Việt 5.818 bị hại, vụ Lê Xuân Giang 5.800 bị hại…

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự phát sinh nhiều vụ việc đương sự có địa chỉ ở rải rác khắp cả nước nên việc thực hiện thông báo thi hành án theo quy định tại Điều 39,40,41,41 Luật Thi hành án dân sự gặp khó khăn.

Trình tự, thủ tục thi hành án phát sinh nhiều văn bản, nếu thực hiện thông báo như quy định hiện hành phát sinh chi phí, thời gian, nhân lực và không bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Do đó, quá trình thụ lý đơn, người được thi hành án thường yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thông báo bằng các hình thức khác nhau, không theo trình tự quy định hiện hành là thông báo trực tiếp – niêm yết- thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ.

Để bảo đảm quy định về việc thông báo được áp dụng thống nhất và khả thi trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp có một người được thi hành án nhưng họ có nguyện vọng nhận thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì cơ quan thi hành án dân sự có căn cứ thực hiện.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 43 Luật Thi hành án dân sự thì “thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu”.

Khoản 2, Điều 3, Thông tư 38/2017/TT-BTTTT ngày 13/12/2017 thì “phương tiện thoong tin đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/cổng thông tin điện tử”.

Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung thêm khoản 6, Điều 12 quy định hướng dẫn thủ tục thông báo trường hợp khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án mà người được thi hành án yêu cầu nhận thông báo theo hình thức trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng khác thì chấp hành viên thực hiện thông báo theo yêu cầu là phù hợp và cần thiết.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, nếu có cơ chế tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự được xác minh thông tin của đương sự thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giảm tải chi phí, thời gian và hiệu quả hơn.

Vì vậy, đề xuất bổ sung vào khoản 1, Điều 9 Nghị định 62 theo hướng chấp hành viên có thể xác minh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Kết quả xác minh được sử dụng để tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

 

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết đối với 2 loại vụ việc chiếm tỉ lệ tiền rất lớn là án tham nhũng kinh tế và án tín dụng ngân hàng, việc thi hành án vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Thái cho biết đối với các vụ án tham nhũng kinh tế, khi thi hành án vẫn thực hiện theo thủ tục chung, chưa có quy định riêng, trong khi thực tế làm việc mới thấy nếu chỉ với thủ tục chung thì rất là ách tắc.

Một tài sản khi thi hành án mất rất nhiều thời gian, khi vào cuộc mới thấy rất khó khăn bởi vấn đề sở hữu, nhiều tài sản không chính chủ, khi xử lý lại đan xen với nhiều luật. Tính pháp lý của nhiều tài sản không rõ ràng, thủ đoạn tinh vi, nhiều cách thức.

“Chưa kể các vụ việc phức tạp như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và tới đây là vụ FLC. Ngay như vụ Tân Hoàng Minh, hơn 6.600 bị hại, chúng tôi liên tục ra các quyết định liên quan thi hành án nhưng chỉ cần chậm một chút là bị phản ánh ngay. Trong khi anh em thi hành án làm ngày làm đêm, từ phương án đón tiếp, ký hồ sơ… Cán bộ thì vẫn chừng ấy người…”, ông Nguyễn Quang Thái nói.