06:00 07/06/2024

Vạn Thịnh Phát đề xuất phương án khắc phục, trái chủ có khả năng lấy lại tiền

Đỗ Mến

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất chuyển 221 tỷ đồng vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu (C03), Bộ Công an...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), cơ quan điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan cùng các bị can khác đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu khống cho 35.824 trái chủ.

ĐỀ XUẤT NHIỀU GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Cơ quan điều tra đã ủy thác điều tra đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tại 58 tỉnh/thành phố trên cả nước để lấy lời khai của 35.824 bị hại. 

Hiện có 25.140 hồ sơ ủy thác chuyển về.

Trong vụ án này, các bị can sử dụng 4 công ty gồm An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu, để lừa bán cho các nhà đầu tư, thu về 30.869 tỷ đồng.

Theo kết luận, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo giao Nguyễn Phương Hồng, thành viên HĐQT, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB trực tiếp điều hành, quản lý và theo dõi việc sử dụng số tiền trên.

Số tiền trên chủ yếu được sử dụng để chuyển tất toán các khoản vay của cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, trả nợ vay mượn cá nhân, trả lãi trái phiếu đến hạn, chi chăm sóc khách hàng, chi tất toán thẻ tín dụng, rút tiền mặt sử dụng…

Kết quả rà soát xác định, việc sử dụng số tiền thu được từ bán trái phiếu bị trộn lẫn với nhiều khoản tiền khác từ nguồn vay Ngân hàng SCB và vay ngân hàng khác, vay mượn cá nhân… tạo thành nguồn tiền hơn 67.000 tỷ đồng.

Trong đó, bóc tách được trên 11.000 tỷ đồng có riêng từ nguồn tiền bán trái phiếu. Còn lại bị trộn lẫn không thể bóc tách rõ.

Theo Kết luận điều tra, ngày 22/5/2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan đến Tập đoàn với tổng giá trị 1.015 tỷ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 13 Công ty liên quan cam kết tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả số tiền 519 tỷ đồng, đã nộp, chuyển trực tiếp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Đối với các tài khoản của các Công ty đang bị ngăn chặn giao dịch, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề xuất sử dụng toàn bộ số tiền đang bị ngăn chặn 291 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Đối với Công ty Cổ phần Bông Sen và Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc đang có nghĩa vụ nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo đang lưu hành, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các tài sản đảm bảo để tạo nguồn thu hoàn trả nghĩa vụ nợ trái phiếu.

Đồng thời, Tập đoàn cam kết sử dụng số tiền 69 tỷ đồng của Công ty Bông Sen và 133 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc dùng để khắc phục cho các trái chủ sở hữu trái phiếu của 2 Công ty này.

Ngày 27/5/2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản cập nhật tiến độ nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra chứng từ xác định các Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất chuyển 221 tỷ đồng vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Đối với số tiền 291 tỷ đồng trong các tài khoản được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các Công ty tự nguyện xin sử dụng để khắc phục hậu quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển Tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật.

NHIỀU KIẾN NGHỊ ĐẶC BIỆT

Trong vụ án này, cơ quan điều tra Bộ Công an đưa ra các kiến nghị:

Thứ nhất, ngoài các bị can đã khởi tố, đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự.

Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và chính quyền.

Thứ hai, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Từ đó, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của các tổ chức phát hành.

Thứ ba, cơ quan điều tra kiến nghị đối với các Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn dư nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB khẩn trương xây dựng giải pháp kinh tế tối ưu để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các nhà đầu tư.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có biện pháp giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc trả nợ trái phiếu.

Thứ tư, từ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến các hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án; từ các các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước và tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ có các kiến nghị gửi các Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khắc phục và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp.