12:22 30/10/2009

Tỷ lệ hộ nghèo là “con số đẹp”?

Hoài Thương

Đại biểu Quốc hội chưa an tâm về độ tin cậy của những con số có liên quan đến xóa đói giảm nghèo

Đại biểu Quốc hội "phê" sự hỗ trợ người nghèo đôi khi chưa đúng cách - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Quốc hội "phê" sự hỗ trợ người nghèo đôi khi chưa đúng cách - Ảnh: TTXVN.
Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2009 còn khoảng 11% (theo báo cáo của Chính phủ) là con số được nhắc đến rất nhiều lần tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội vừa qua của Quốc hội.

Tuy nhiên, dường như không có mấy vị đại biểu của dân tin vào tính xác thực của nó. Thậm chí, một số ý kiến đã thẳng thừng bác bỏ và cho rằng trên thực tế tỷ lệ hộ nghèo chắc chắn cao hơn.

Mặc dù, tại báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình giảm nghèo trong những năm qua gửi đến Quốc hội từ đầu kỳ họp, Chính phủ đã khẳng định “Mục tiêu giảm nghèo đã hoàn thành trước một năm so với kế hoạch đề ra”. Điều này được minh chứng qua những con số: tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 18,1% (năm 2006) xuống còn 14,75%  (năm 2007) và 12,1% (năm 2008) và ước dưới 11% vào cuối năm 2009.

“Ma trận chính sách”

Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, giảm nghèo phải được quan tâm tổ chức thực hiện trước tiên trong vấn đề an sinh xã hội. Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ với 20 nhóm chính sách và 50 chính sách cụ thể, có riêng một chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong 12 chương trình mục tiêu quốc gia.

“Hệ thống chính sách này đã bao trùm lên những nhu cầu tối thiểu cần thiết mà bất cứ người dân nào cũng phải có”, bà Ngân khẳng định.

Nguồn lực nhiều tỷ đồng trong năm 2009 để chăm lo cho người nghèo cũng được Bộ trưởng kể ra: chi cho an sinh xã hội 22.000 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2008; Mặt trận tổ quốc đã vận động hàng nghìn tỷ đồng và cộng đồng doanh nghiệp đã cam kết đóng góp cho 62 huyện nghèo là hơn 1.600 tỷ đồng… Chính sách rất nhiều, số tiền cũng không nhỏ.

Song, không ít băn khoăn của đại biểu lại nằm ở đây. Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi qua giám sát thực tế đã chỉ ra sự chồng chéo của “ma trận chính sách” dành cho người nghèo.

Theo tổng kết của đại biểu Lợi thì hiện có tới 36 chính sách, trong 36 chính sách có 75 hợp phần, 100 văn bản hướng dẫn hỗ trợ người nghèo. Có đến 18 hợp phần nằm trong một chương trình phát triển sản xuất. Vậy, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo.

“Con số đẹp”

Thảo luận về vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay là gói kích cầu, nhiều vị đại biểu cũng cho rằng người nghèo tiếp cận rất khó khăn vì nhiều thủ tục bất khả thi.

Và đây chính là những  lý do quan trọng để nhiều vị đại biểu nghi ngờ về “con số đẹp” 11% của tỷ lệ hộ nghèo. Bên cạnh đó, chất lượng giảm nghèo chưa cao, tính chất chưa bền vững và tỷ lệ tái nghèo cao cũng là điều khiến nhiều đại biểu lo ngại.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam), đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) và đại biểu Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) đều cho rằng “báo cáo của Chính phủ nêu tỷ lệ hộ nghèo của cả nước hiện nay còn 11% là chưa phản ánh đúng thực chất”.

Đại biểu Sỹ đưa ra một số con số về tỷ lệ hộ nghèo ngay tại địa phương ông, huyện Bắc Trà My, với 52,41%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã là 73,09%. Huyện Nam Giang là 55,8%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 65,69% và nông dân là 66,88% .

Những con số này đã khiến đại biểu Sỹ và nhiều vị đại biểu khác lo ngại về sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Theo đại biểu Hồ Quốc Dũng thì con số trên 1.000 USD bình quân thu nhập/người mỗi năm chúng ta đạt được “là mơ ước xa vời của người nông dân và người có thu nhập thấp”

Đại biểu Dũng phân tích, hiện nay ở nông thôn nước ta trung bình mỗi nhân khẩu chỉ được 1 sào ruộng, mỗi vụ thu hoạch 3 tháng chỉ lãi tối đa là 115.000 đồng, chưa kể nếu gặp thiên tai, lũ lụt thì mất trắng. “Thiết nghĩ chúng ta phải có một thông tin định lượng hơn về sự phân hóa xã hội. Tính thu nhập bình quân đầu người thực chất hơn, thiết thực hơn cho từng khu vực dân cư để có chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đại đa số nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đã và đang giãn ra rất lớn”, đại biểu này đề nghị.

Đại biểu Thái nhận xét, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30A còn lúng túng, đầu tư thiếu tập trung, không bền vững, chưa có bước đi thích hợp cho từng vùng, đặc điểm của từng địa phương, còn dàn trải chung chung, hoặc một việc nhưng nhiều ngành quản lý, việc giải ngân quá chậm trễ.

Sẽ có chuẩn nghèo mới

Tuy nhiên, liên quan đến vấn để tổ chức thực hiện, bên cạnh những đề xuất chăm lo cho người nghèo, một số vị đại biểu cũng đề nghị có giải pháp để hạn chế sự "bì tỵ và ỷ lại" của chính người nghèo.

“Từ ngày các hộ nghèo được phát tiền và hiện vật, khí thế bình xét và công nhận hộ nghèo ở nhiều vùng quê tự nhiên sôi nổi hẳn lên. Những hộ trúng nghèo tâm trạng phấn khởi, một số hộ bị rớt đã có những cử chỉ lời nói thiếu văn hóa làm cho tình hình nông thôn thêm phức tạp”, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bình luận.

Cũng liên quan đến sự thực chất, nhiều vị đại biểu cho rằng nên quy định lại chuẩn nghèo cho phù hợp, vì chuẩn cũ đã quá lạc hậu so với mức trượt giá của đồng tiền.

Bộ trưởng Kim Ngân thừa nhận, việc áp dụng chuẩn nghèo hiện nay là không phù hợp với tình hình thực tế. Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội xây dựng một chuẩn nghèo mới để thực hiện trong giai đoạn tới.

“Tuy nhiên, trong khi chưa điều chỉnh chuẩn nghèo thì Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung nguồn lực để giúp cho người nghèo, vùng nghèo nhằm ổn định đời sống nhân dân”, Bộ trưởng khẳng định.