14:11 04/02/2009

Sẽ lo “từ A đến Z” cho người nghèo đi xuất khẩu lao động

Lý Hà

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nói về chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động dành cho 61 huyện nghèo

Người dân ở 61 huyện nghèo trong độ tuổi tham gia đi xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt (tiền ăn, ở) để học bổ túc văn hóa - Ảnh minh họa.
Người dân ở 61 huyện nghèo trong độ tuổi tham gia đi xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt (tiền ăn, ở) để học bổ túc văn hóa - Ảnh minh họa.
Chính phủ đã thông qua đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo  trên 50%, và nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại tiếp tục chuẩn bị trình đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo nhất giai đoạn 2009-2015.

Về đề án này, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ước tính trong giai đoạn 2009-2012, sẽ thực hiện thí điểm đưa khoảng 10.000 lao động ở 61 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động. Con số này trong giai đoạn từ 2011-2015 sẽ là từ 50-60.000.

Ông Hải nói:

- Cũng cần phải nói rõ thêm là dân số của 61 huyện này lên tới 2,4 triệu người trong đó có khoảng 1,3 triệu người đang độ tuổi lao động, mà trong các năm 2006 và 2007 chỉ có khoảng 5.000 người đi xuất khẩu lao động, chiếm chưa tới 3% số lượng người đi xuất khẩu lao động của cả nước. Điều này là quá khiêm tốn so với tiềm năng về nguồn nhân lực.

Một trong những giải pháp để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững chính là xuất khẩu lao động.

Nhưng nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người nghèo đã được Chính phủ ban hành... nay lại tiếp tục triển khai một đề án riêng cho 61 huyện nghèo. Liệu điều này có tạo ra sự không công bằng giữa các hộ nghèo trong toàn quốc, thưa ông?

Đối với 61 huyện nghèo như đề án đặt ra thì các chính sách của Nhà nước và địa phương hiện chưa đủ mạnh, mức hỗ trợ như thế chỉ trợ giúp được một phần nhỏ về kinh phí trước khi đi, họ quá nghèo và sống ở các vùng sâu, vùng xa có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội đặc thù.

Ngoài ra, các chính sách này lại thiếu đồng bộ, manh mún, không giải quyết được căn bản vấn đề của người lao động tại các huyện nghèo là: văn hoá thấp, thiếu thông tin, nhận thức còn nhiều hạn chế, quá khó khăn về kinh tế, chưa được đào tạo nghề nên không thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động với số lượng lớn.

Do vậy, phải có đề án nhằm đẩy mạnh được công tác xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo này với một số cơ chế, chính sách đặc thù toàn diện và đủ mạnh để hỗ trợ người dân khắc phục những khó khăn kể trên.

Nghèo nàn - lạc hậu - văn hóa thấp, đó là cái vòng luẩn quẩn của các huyện nghèo nhất. Vậy cơ chế, chính sách đặc thù toàn diện như ông nói sẽ như thế nào để nhằm đưa nhiều người lao động các huyện này đủ chất lượng tham gia xuất khẩu lao động?

Chúng tôi cũng đã thống nhất quan điểm với các bộ, ngành liên quan sẽ có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù dành cho 61 huyện nghèo. Nói ngắn gọn thì với chính sách này, người lao động sẽ được hỗ trợ từ A tới Z.

Họ vừa được hỗ trợ tài chính vừa được hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu lao động. Như vậy, hỗ trợ về tài chính người lao động sẽ được học bổ túc văn hoá, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động; được hưởng tín dụng ưu đãi, hỗ trợ rủi ro...

Cụ thể, người dân ở 61 huyện nghèo trong độ tuổi tham gia đi xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt (tiền ăn, ở) để học bổ túc văn hóa. Người thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 30.000 đồng/ngày/người; hỗ trợ tiền ở mức 200.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền đồ dùng thiết yếu mức 400.000 đồng/tháng; tiền tàu xe đi và về từ nơi cư trú đến chỗ học; hỗ trợ chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Còn người lao động khác thuộc huyện nghèo được hỗ trợ toàn bộ kinh phí học nghề, ngoại ngữ, và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, theo chương trình của đề án, họ sẽ được vay ưu đãi toàn bộ chi phí hợp lý theo nhu cầu (ngoài phần đã được hỗ trợ) với mức lãi suất cho vay là 0,65%/tháng ...

Còn việc hỗ trợ rủi ro cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài ngoài, nếu phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì họ còn được xem xét miễn, giảm lãi tiền vay hoặc xoá nợ khoản vay ngân hàng mà người lao động chưa trả hết và được hướng dẫn đầu tư nguồn vốn để phát triển kinh tế; được tham gia các khóa học về khởi sự doanh nghiệp; được tư vấn và giới thiệu việc làm cho phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã học hỏi, tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Đây là một gói giải pháp hỗ trợ chu đáo, thiết thực thể hiện sự quan tâm của Đảng và chính phủ với mong muốn khi người dân nghèo đi xuất khẩu lao động sẽ góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống của họ cũng như của đất nước. Hy vọng khi đề án được thông qua sẽ hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo.