23:30 15/10/2020

Tỷ phú Nhật gây áp lực buộc Grab sáp nhập Gojek

Ngọc Trang

SoftBank - nhà đầu tư của cả Grab và Gojek - đang muốn đẩy nhanh thương vụ sáp nhập nhằm chấm dứt cuộc cạnh tranh "đốt tiền" của hai startup này tại Đông Nam Á

Grab và Gojek đang cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á - Ảnh: Reddit.
Grab và Gojek đang cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á - Ảnh: Reddit.

Theo nguồn tin của Bloomberg, tỷ phú Nhật Masayoshi Son, CEO tập đoàn SoftBank, đang gây áp lực với người sáng lập Grab, Anthony Tan, nhằm thúc đẩy thương vụ sáp nhập giữa startup gọi xe này với đối thủ Gojek (Indonesia). SoftBank hiện là nhà đầu tư của cả hai công ty.

Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là liệu hai công ty sẽ sáp nhập toàn bộ hoạt động ở Đông Nam Á hay Grab sẽ chỉ mua lại hoạt động của Gojek ở Indonesia - thị trường lớn nhất của cả hai.

THƯƠNG VỤ SÁP NHẬP CHẤM DỨT CUỘC ĐUA "ĐỐT TIỀN"

"CEO Anthony Tan của Grab muốn thực hiện một vụ thâu tóm ở quy mô hẹp, giúp ông giành được nhiều quyền kiểm soát hơn sau thương vụ. Đồng thời, việc này cũng cho phép ông điều hành hoạt động của Gojek ở Indonesia như một chi nhánh của Grab", nguồn tin giấu tên cho biết. 

Trong khi đó, các cổ đông của Gojek muốn một thương vụ sáp nhập hoạt động của hai công ty trên toàn khu vực Đông Nam Á bởi điều này có lợi hơn cho họ với cổ phần tại doanh nghiệp "khủng" sau sáp nhập. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của tỷ phú Son, nhà đầu tư lớn nhất của Grab. 

Những bất đồng trong việc sáp nhập làm gia tăng căng thẳng giữa Anthony Tan và tỷ phú SoftBank - người trước đây luôn ủng hộ tầm nhìn kinh doanh của Grab. Những khoản lỗ lớn của Grab bắt đầu khiến Son cũng như các nhà đầu tư khác "nóng mặt", đặc biệt là sau cú lao dốc không phanh của WeWork - công ty cũng được SoftBank đầu tư - và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nền tới các doanh nghiệp trong khu vực. 

Tỷ phú Nhật gây áp lực buộc Grab sáp nhập Gojek - Ảnh 1.

Tỷ phú Masayoshi Son (phải) và Anthony Tan, CEO của Grab (Trái) trong một sự kiện tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 7/2019 - Ảnh: Getty Images.

Theo các nhà phân tích, một vấn đề lớn cần quan tâm là các nhà quản lý khu vực có phản đối thương vụ sáp nhập giữa hai startup gọi xe lớn nhất Đông Nam Á này hay không. Bên cạnh dịch vụ gọi xe, hiện Grab và Gojek còn đối đầu trong một số mảng khác. 

Trong khi đó, SoftBank - nhà đầu tư của cả Grab và Gojek, tỏ ra thất vọng khi sự đối đầu khiến hai công ty bỏ lỡ một cơ hội "về chung một nhà". Cuối năm ngoái, Son đã tới Indonesia và từ đó đến nay luôn tham gia các cuộc họp nhằm thúc đẩy thương vụ sáp nhập. 

Vài năm trở lại đây, Grab và Gojek cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua "đốt tiền" nhằm giành vị thế thống trị trong khu vực. Do đó, một thương vụ sáp nhập sẽ giúp giảm chi phí cho cuộc cạnh tranh tốn kém này, đồng thời tạo ra một trong những công ty Internet quyền lực nhất Đông Nam Á. 

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của cả hai công ty cũng lo ngại về cạnh tranh từ các đối thủ ngày càng mạnh như Sea Ltd (Singapore) - công ty đã niêm yết vào năm 2017 và hiện có vốn hóa khoảng 82 tỷ USD. Nền tảng thương mại điện tử Shopee và dịch vụ thanh toán điện tử ShopeePay của Sea đang mở rộng nhanh chóng tại Đông Nam Á.

GRAB, GOJEK CÓ GÌ Ở ĐÔNG NAM Á?

Hiện tại, Grab được định giá 14 tỷ USD và hoạt động tại 8 quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Gojek, được định giá 10 tỷ USD, có mặt tại Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cả hai đều có tham vọng tạo ra một "siêu ứng dụng" tại Đông Nam Á với việc mở rộng từ dịch vụ gọi xe trực tuyến sang giao đồ ăn, thanh toán điện tử... 

Tỷ phú Nhật gây áp lực buộc Grab sáp nhập Gojek - Ảnh 2.

Grab và Gojek được định giá lần lượt 14 tỷ USD và 10 tỷ USD - Ảnh: Deal Street Asia.

Cả Grab và Gojek đều có danh sách dài các nhà đầu tư tên tuổi. Các cổ đông của Grab gồm Uber, Tiger Global Management LLC và Toyota Motor Corp... Trong khi đó, Gojek nhận đầu tư từ Google, Tencent Holdings Ltd., KKR, Warburg Pincus... 

Theo nguồn tin của Bloomberg, hai bên đang thỏa thuận về cấu trúc hoạt động và định giá cũng như phương án nhằm giảm thiểu những quan ngại về vấn đề độc quyền từ các nhà chức trách. Thương vụ này phụ thuộc vào việc đại dịch còn kéo dài bao lâu bởi điều này ảnh hưởng tới dòng tiền của hai công ty. 

Bloomberg trước đó đưa tin cho biết Grab đang cố gắng huy động thêm vốn đầu tư. Công ty này đang thảo luận với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc nhằm huy động khoảng 3 tỷ USD. Báo cáo tài chính cho thấy Grab lỗ hơn 200 triệu USD năm 2019. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công ty này đã mở rộng từ giao đồ ăn sang giao các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, đồng thời cung cấp dịch vụ trợ giúp đặc biệt theo yêu cầu. Hồi tháng 8, Grab ra mắt một loạt sản phẩm và dịch vụ tài chính trên nền tảng của mình. 

Trong khi đó, Gojek cũng tăng cường mở rộng dịch vụ thanh toán điện tử giữa đại dịch. Ví điện tử GoPay của công ty này đã thu hút được 400.000 tiểu thương tại Indonesia và được sử dụng để thanh toán trên ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn Gojek ở Thái Lan.