15:48 02/08/2011

Ứng viên Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Áp lực lớn nhất là sự tín nhiệm”

Thúy Hằng

Ứng viên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chia sẻ với báo chí khi rời cương vị Tổng kiểm toán Nhà nước

Ông Vương Đình Huệ đã được Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Vương Đình Huệ đã được Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Sáng 2/8, ông Vương Đình Huệ, người vừa được Quốc hội đồng ý miễn nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước, đã được Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Khi công việc kiểm phiếu bầu Tổng kiểm toán mới đang được tiến hành, ông Huệ đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí bên hành lang kỳ họp. Ông nói:

- Kết thúc nhiệm vụ Tổng kiểm toán Nhà nước, tôi cũng có xúc động, bồi hồi một chút vì quãng thời gian không ngắn, 10 năm gắn bó với ngành và 5 năm 1 tháng 1 ngày trên cương vị Tổng kiểm toán.

Tôi có tình cảm đặc biệt với báo chí. Báo chí đã hết lòng ủng hộ hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Một trong những thành công mà kiểm toán đạt được đến ngày nay là do vai trò ủng hộ của báo chí. Mong báo chí tiếp tục dành sự quan tâm và giám sát trong thời gian tới cho Kiểm toán Nhà nước.

Trong 5 năm đó, ông cảm nhận những sức ép công việc thế nào?

Áp lực lớn nhất chỉ là sự tín nhiệm của nhà nước, nhân dân. Càng tín nhiệm thì càng áp lực.

Trong lãnh đạo chuyên môn, chương trình kiểm toán nào khiến ông cảm thấy hài lòng nhất?

Cái hài lòng nhất, không chỉ của Tổng kiểm toán mà của cả ngành chúng tôi đấy là sau 17 năm thành lập, nhất là sau khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực, các bộ ngành địa phương, các đơn vị được kiểm toán, người dân đã thấy thân hiện hơn, đã hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn và tích cực thực hiện các kết luận của kiểm toán nhà nước.

Tôi thấy đấy là thành công lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác kiểm toán.

Cơ sở nào để có thể khẳng định là người dân đã thấy thân thiện hơn với hoạt động kiểm toán, thưa ông?

Người dân biết về hoạt động kiểm toán nhiều hơn. Các đơn vị được kiểm toán hàng năm cũng nhiều lên. Vậy nhưng nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán ngày càng tốt hơn. Bây giờ người ta ngày càng thấy là được kiểm toán chứ không phải bị kiểm toán. Qua đó cũng đo được sự thân thiện của người dân nói chung.

Ông đánh giá thế nào về mức độ dân chủ, công khai của hoạt động kiểm toán?

Tôi thấy ngày càng tốt lên, nhất là sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định 33 về tăng cường kỷ luật tài khóa, thực hiện kiến nghị kiểm toán thanh tra, về các thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì hàng năm kiểm toán nhà nước cũng đề nghị sửa đổi bổ sung rất nhiều.

Có điều rất mừng là tất cả những kết luận, kiến nghị kiểm toán của nhà nước về các lĩnh vực này đều được các cơ quan nhà nước tiếp thu kịp thời, nghiêm túc.

Các bạn có thể thấy hàng năm trên báo cáo của Bộ Tài chính cũng như kiểm toán gửi đại biểu Quốc hội khi tổng kết ngân sách nhà nước, danh mục các văn bản được tiếp thu, chỉnh sửa, ban hành rất nhiều. Những văn bản còn lại cũng rất tích cực, đang nằm trên bàn của các cơ quan chức năng.

Về xử lý tài chính cũng ngày càng tốt hơn. Ví dụ, năm ngân sách 2009 sẽ trình Quốc hội vài ngày tới đây, theo số liệu của Bộ Tài chính, trên 80% đã thực hiện. Còn tính rộng hơn theo số liệu kiểm toán (tiêu chí rộng hơn) thì tất tần tật các kiến nghị đã được trên 69%. Tỷ lệ này về mặt tài chính là rất cao.

Cũng còn một số đơn vị do khó khăn hay những kết luận kiến nghị truy thu của cá nhân thì cũng phải từ từ, trừ dần vào lương thì quá trình thực hiện cũng cần một thời gian nữa. Nhưng nói chung ý thức tôn trọng và chấp hành các kết luận, kiến nghị kiểm toán, thanh tra nhìn chung đã tốt hơn.

Nhiều người cho rằng cần tăng chế tài để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng kiến nghị của kiểm toán bởi hiệu lực tuân thủ còn rất hạn chế. Theo ông việc này có cần thiết?

Hiện nay cơ quan pháp chế của Kiểm toán Nhà nước cũng đang kiến nghị cần có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Tôi tin cái này sẽ sớm hình thành để tăng cường trách nhiệm hơn của các đơn vị, tổ chức trong quá trình thực hiện theo những chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu được Quốc hội phê chuẩn vào cương vị mới theo đề nghị của Thủ tướng, kinh nghiệm 5 năm làm Tổng kiểm toán có giúp ông vững vàng hơn?

Đến giờ tôi cũng chưa biết chắc là được tổ chức phân công và giao nhiệm vụ gì nhưng tôi có một điều chắc chắn là dù làm bất cứ cương vị gì cũng phải cố gắng hết mình.

Chắc chắn hơn nữa là dù ở vị trí nào cũng sử dụng được những kinh nghiệm làm kiểm toán nhiều hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản lý đơn vị mà mình phụ trách cũng như thực hiện chức năng nhiệm vụ ở đơn vị mình.

Khi ông rời chức vụ Tổng kiểm toán thì việc kiểm toán đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam vẫn chưa hoàn thành, việc này sẽ tiếp tục thế nào, thưa ông?

Hôm nay chỉ nói những việc chung thôi.