06:00 15/11/2022

Ưu tiên cho doanh nghiệp do nữ làm chủ trong các chương trình hỗ trợ 

Vũ Khuê

93,9% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 trong năm 2021, hơn 2/3 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm mạnh năm 2021, gần 90% doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc...

Hơn 2/3 các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020.
Hơn 2/3 các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020.

Chiều 14/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo “Kiên cường vượt sóng - Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19”.

GẦN 94% DOANH NGHIỆP DO NỮ LÀM CHỦ CHỊU TÁC ĐỘNG TỪ COVID-19

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của VCCI trên toàn bộ các tỉnh, thành phố từ năm 2011 tới nay, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011-2020, tuy nhiên giảm vào năm 2021.

Cụ thể, vào năm 2011, khoảng 21% doanh nghiệp đang hoạt động là do phụ nữ làm chủ, đến năm 2018, tỷ lệ này là vào khoảng 24%, năm 2019 có giảm xuống một chút (22,7%), năm 2020 tăng lên 23,4% và năm 2021 là 22,2%.

Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trên cơ sở thông tin đăng ký doanh nghiệp có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết tháng 9/2022, toàn quốc có 263.444 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang hoạt động, chiếm 29,8% trong tổng số 883.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, nhận định rằng đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 càn quét khốc liệt, ảnh hưởng sâu sắc tới phần lớn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Khảo sát chỉ rõ, năm 2020, 87% trong số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực, chỉ có 2,7% cho rằng có tác động tích cực.

Ưu tiên cho doanh nghiệp do nữ làm chủ trong các chương trình hỗ trợ  - Ảnh 1

Năm 2021, tỷ lệ bị tác động tiêu cực tăng lên. Hầu hết (93,9%) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trả lời là bị ảnh hưởng tiêu cực, chỉ 4,9% không bị ảnh hưởng và một tỷ lệ rất nhỏ 1,2% cho rằng có tác động tích cực.

Chính những tác động này khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Năm 2020, 67,2% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu sụt giảm so với 2019. Mức giảm doanh thu của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 37,3%. Hơn 2/3 (69,3%) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (6%) là có doanh thu tăng.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ rất lớn (xấp xỉ 90%) doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn doanh nghiệp do nam giới làm chủ, tương ứng là 89,6% so với 91,1%. Tỷ lệ các doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 95% và 88%.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ảm đạm hơn, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm, tỷ lệ doanh nghiệp bị thua lỗ tăng. Năm 2020, chỉ 53,2% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tỷ lệ bị thua lỗ là 32,1%. Năm 2021, con số này tương ứng là 42,7% và tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh lên mức 39,2%.

Điều đáng quan ngại, mức độ lạc quan của khu vực doanh nghiệp nữ sụt giảm mạnh nhất trong 10 năm điều tra PCI gần đây. Trong hai năm tới, 16,3% doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa, tỷ lệ cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Khoảng hơn một nửa (52,5%) muốn giữ nguyên, cố gắng duy trì kinh doanh với quy mô hiện tại.

 DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG TỰ CỨU MÌNH TRƯỚC 

Từ kết quả khát sát trên, VCCI kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nữ phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển.

Trong đó, cần đánh giá hiệu quả thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là cách thức tiếp cận thông tin hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, nhận được hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, từ đó sửa đổi, hoàn thiện luật này.

Bởi hiện nay, những chính sách và việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương còn bất cập. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp còn được đưa ra ở một số văn bản khác nên có sự chồng chéo, lúng túng khi áp dụng. Hơn nữa, mức độ hiểu biết về Luật Hỗ trợ DNNVV rất khiêm tốn.

Cần có ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng. Cải thiện việc triển khai các biện pháp hỗ trợ do Chính phủ cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là minh bạch thông tin và quy trình thủ tục áp dụng.

Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

VCCI nhấn mạnh, Chính phủ xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam đề xuất, các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ phải được thể hiện bằng kế hoạch, việc làm cụ thể.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu thông tin trên các cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp cận các gói hỗ trợ. Đồng thời, chủ động cứu lấy mình trước, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, thích ứng biến động của thị trường; cơ cấu lại chi phí sản xuất, tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, nhằm gia tăng lợi nhuận, vượt qua khó khăn.

Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc cũng đặc biệt quan trọng. Cả nước có khoảng 650 hiệp hội nhưng thực sự các hiệp hội này có hỗ trợ được cho các hội viên hay không vẫn là câu hỏi lớn. VCCI cần có kiến nghị để có hành lang pháp lý cho các hiệp hội hoạt động và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, qua đó hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp hội viên.