Tăng lực cho doanh nhân nữ đủ sức “vượt cạn”
Giống như các doanh nghiệp do nam giới làm chủ, dưới tác động tiêu cực của Covid-19, các doanh nhân nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của những “cơn bão” đại dịch, vì vậy đòi hỏi cần những giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ đủ sức “vượt cạn”, đưa doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển vững chắc...
Theo báo cáo thường niên “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton
International phát hành hồi tháng 3/2021, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung ở Việt Nam đã lên tới 39% (tăng 6% so với năm 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát), sau Philippines và Nam Phi, ngang bằng với Brazil, Ấn Độ và xếp thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương sau Philippines đạt 48%.
NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐIÊU ĐỨNG
Con số trên càng được khẳng định khi báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) đưa ra, cho thấy trong tổng số doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5%, đóng góp 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn do phụ nữ làm chủ không những là những doanh nghiệp tầm cỡ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước. Các doanh nghiệp này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết nhiều việc làm và bảo đảm đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên.
Mặc dù tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp cao, các nữ doanh nhân gặp không ít rào cản về định kiến xã hội, định kiến giới và nghi ngại về khả năng chèo lái doanh nghiệp thành công. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn gặp khó trong vay vốn ngân hàng, hay không có đủ kiến thức và kỹ năng kinh doanh.
Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19 càng khiến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do nữ làm chủ dễ bị tổn thương trên phương diện tài chính, doanh thu sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và vận tải.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo có nguy cơ đóng cửa do tác động từ Covid-19 cao hơn so với các doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) chia sẻ, ảnh hưởng của đại dịch Covid đã làm cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, đặc biệt các các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, mất hoặc thu hẹp thị trường cả đầu vào và đầu ra trong bối cảnh các doanh nghiệp phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh đã làm gia tăng chi phí, thiếu vốn, khó kiểm soát được dòng tiền.
Để hỗ trợ doanh nghiệp không bị “gục ngã” trước Covid, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động trong thời gian vừa qua.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành đã có các gói cứu trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về thuế và tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội.
Tuy vậy, hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng doanh nghiệp đang còn khiêm tốn. Theo bà Minh, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình.
GIẢI PHÁP NUÔI DƯỠNG ĐỂ GẶT HÁI THÀNH CÔNG
Do đó, bà Minh kiến nghị, trong các chiến lược quốc gia thành phần cần đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững.
Theo phân tích của bà Minh, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội lại không có quy định này. Vì vậy rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ.
Mặt khác, bà Minh cũng cho rằng hiện nay rất nhiều nước như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đã đưa vào luật doanh nghiệp khái niệm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Chúng ta cần đưa khái niệm này vào Luật Doanh nghiệp, khi đó sẽ xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất…
Theo Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động và biến đổi của Covid-19 khó lường. Sự phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đứng trước nhiều thách thức.
Vì vậy bà Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng ngân hàng TMCP Đông Nam Á Seabank cho rằng hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả. Điều đó cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự vững mạnh nhất định.
Song, theo bà Nga, để đáp ứng yêu cầu khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, các ngân hàng cũng cần nhìn nhận, đối phó trực diện và thích ứng với các rủi ro ngay từ hôm nay.
Bà Nga cho rằng trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, các chính sách và hành lang pháp lý sẽ cần có những điều chỉnh, để phù hợp với tình hình thực tại.
Bởi vậy, bà Nga đề xuất, việc nghiên cứu xây dựng luật giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử từ năm 2005, để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan là công tác cần được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ.
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử, trong các thông tư liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. Từ đó xây dựng hành lang pháp lý quan trọng giúp các ngân hàng hoàn thiện mục tiêu chuyển đổi số định hướng đến năm 2030.
NGÂN HÀNG TIẾP TỤC HỖ TRỢ CHO NHỮNG DOANH NGHIỆP BỊ ẢNH HƯỞNG
Trong hoạt động xử lý nợ xấu, theo bà Nga, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều Văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý trong việc xử lý nợ, nhằm hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, do đó cần nghiên cứu ban hành văn bản gia hạn. Đặc biệt, trong hỗ trợ chính sách tiền tệ ổn định trong và sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Nga cho biết thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao cùng những chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định thị trường tài chính.
Nhưng bà Nga mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng, để hỗ trợ đúng cho các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Với yêu cầu đảm bảo giữ vững hoạt động ổn định, vững mạnh của ngân hàng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, với nhiều khó khăn và rủi ro từ việc các doanh nghiệp không thể trả nợ, dẫn đến áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc lớn, chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao và hỗ trợ hoạt động hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, để tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung”, bà Nga bày tỏ.
Đề cao vai trò của chuyển đổi số trong bối cảnh sống chung với Covid-19, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các yêu cầu kinh doanh của doanh nhân nữ.
Bà cho rằng đây là lúc doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số để nuôi dưỡng và gặt hái các kết quả kinh doanh bền vững, phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
Chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang và sẽ là xu thế tất yếu, đồng thời đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng với đại dịch Covid-19.
Để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cần luôn không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế hành động, đột phá, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Quan trọng hơn, cần bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời hành động để bứt phá vượt qua đại dịch, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.