Ưu tiên xuất khẩu lao động cho người dân vùng “cá chết”
Tăng cường đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan với các nghề xây dựng và đánh bắt cá gần bờ
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường biển của Formosa sẽ được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có 263 nghìn lao động bị ảnh hưởng - trong đó 100 nghìn người bị ảnh hưởng trực tiếp, 163 nghìn người bị ảnh hưởng gián tiếp - bởi sự cố môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra tại 4 tỉnh miền Trung.
Trước khi có thông tin FHS đền bù sau sự cố do họ gây ra, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có chuyến khảo sát và làm việc với hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, và sẽ làm việc tiếp với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh để có giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân ở các tỉnh này.
Hiện đang có một số chương trình xuất khẩu lao động chi phí thấp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp triển khai, đồng thời cũng có một số chương trình do các doanh nghiệp triển khai. “Trước mắt, Bộ triển khai những chương trình chi phí thấp để hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng”, ông Diệp cho biết.
Cụ thể, chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc vừa được ký kết lại với chỉ tiêu là 3.500 người, sẽ dành ưu tiên cho huyện đặc biệt ven biển bị ảnh hưởng; tạm dỡ bỏ hạn chế một số huyện có lao động cư trú bất hợp pháp đi xuất khẩu lao động.
Các chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật và Đức cũng sẽ ưu tiên đào tạo miễn phí dành cho những người có bằng cử nhân, cao đẳng điều dưỡng. Bộ sẽ hỗ trợ con em của các tỉnh này nằm trong diện đủ điều kiện và có nguyện vọng tham gia.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan với các nghề đánh bắt cá gần bờ, xây dựng với chi phí thấp.
Đối với việc hỗ trợ dạy nghề và việc làm, những lao động nào thuộc hỗ nghèo ở vùng ảnh hưởng được hỗ trợ chi phí đào tạo, giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Bộ sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi việc làm, ưu tiên giới thiệu việc làm không chỉ tại địa phương bị ảnh hưởng, mà còn triển khai ở các tỉnh lân cận.
“Tôi phải nói lại, vì những người dân nơi đây họ từng sống được nhờ nguồn sinh kế của biển, cho nên việc chuyển tất cả người dân ở đây sang nghề khác có lẽ không khả thi và không nên làm”, ông Diệp chia sẻ.
“Tuy nhiên trước mắt, sẽ chuyển những lao động đang bị ảnh hưởng sang đúng nghề của họ. Đó là chương trình xuất khẩu lao động đánh bắt cá gần bờ của Hàn Quốc, Đài Loan, thu nhập khá, chi phí không cao. Khi nào biển miền Trung trở lại bình thường thì quay trở lại khai thác sống bằng nghề mà xưa nay họ đã làm”, ông Diệp nói.
"Còn bộ phận lao động khác có nhu cầu sẽ đào tạo chuyển đổi nhưng phải sát thực với nguyện vọng của người lao động. Kinh phí hỗ trợ ngư dân vùng ảnh hưởng được trích từ ngân sách Nhà nước chứ chưa phải từ số tiền đền bù của Formosa”, ông Diệp nhấn mạnh.