12:36 19/06/2021

Vaccine nào cho “virus” Fake News?

Phan Anh

Tin giả (Fake News) đã và đang bùng phát tràn lan trên mạng, trở thành một vấn nạn, một loại vi rút gây ra “bệnh” nguy hiểm cho xã hội và nhân loại, gây tác hại, ảnh hưởng nặng nề. Virus SARS-CoV-2 đã cóvaccine, vậy có loại“vaccine” nào để ngăn chặn vấn nạn Fake News?...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, khi các lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống lại đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì có không ít đối tượng tung lên mạng xã hội những thông tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, lo sợ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch. Theo thống kê, năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.

TIN GIẢ VỀ COVID TRÀN LAN

Cùng với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, “virus tin giả” cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng, gây ra những tác động hoảng loạn, tiêu cực trong cộng đồng. Những thông tin được tung lên mạng kiểu như “Dùng máy bay phun khử khuẩn toàn quốc,” “Phong tỏa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, hay như trường hợp ca bệnh nhân số 17 mắc Covd-19... là một trong những ví dụ điển hình về vấn nạn Fake News từ cộng đồng mạng.

Ngày 4/5/2021, người dùng T.V.D đã sử dụng tài khoản Facebook “Hà Nội Phố” để đăng tải thông tin “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa” kèm theo một video về trải nghiệm đường phố Hà Nội. Qua xác minh của cơ quan chức năng, nội dung thông tin đăng tải trên là sai sự thật.

 
Tin giả là sự giả mạo về thông tin, thông tin không chính xác, xấu độc. Tin giả sẽ gây hậu quả, tổn hại rất thật đối với xã hội.

Ngoài ra, liên tục trong thời gian qua, nhiều trang mạng, tài khoản Facebook còn đăng thông tin chưa được kiểm chứng về các ca bệnh lây lan trong cộng đồng...

Nguy hiểm hơn, hồi đầu năm 2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) rà quét và phát hiện một số tài khoản Facebook đã đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo được cho là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid-19...

Không chỉ đăng tin giả tràn lan, trên mạng còn xuất hiện cả hình ảnh giả mạo. Đơn cử như trường hợp tài khoản Facebook Phạm Đăng Quỳnh đăng hình ảnh giả mạo đoàn người vận chuyển hàng lậu qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh... Hay như trước đây là video một đoàn xe nào đó nhưng gán câu chuyện về lãnh đạo cao cấp của Nhà nước...

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về thực trạng tin giả hiện nay, nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng tin giả là vấn đề toàn cầu chứ không riêng của Việt Nam. Đó không chỉ là những thông tin lừa đảo thông thường, gây hoang mang trong đời sống mà tin giả mang tính chính trị xuất hiện ngày càng nhiều. Tin giả đã gây hậu quả kinh tế và chia rẽ xã hội rất rõ ràng.

Dưới góc nhìn của một cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh, tin giả quả thực là một vấn nạn. Tổ chức Y tế thế giới đã phải sáng tạo ra từ mới là “Infodemic” để chỉ vấn nạn này, theo nghĩa có quá nhiều thông tin sai lệch trên môi trường số cũng như ở ngoài đời thực trong thời đại dịch (Pandemic).

CĂN BỆNH NGUY HIỂM TỪ "VIRUS" FAKE NEW

Theo các chuyên gia, tin giả là sự giả mạo về thông tin, thông tin không chính xác, xấu độc. Tin giả sẽ gây hậu quả, tổn hại rất thật đối với xã hội.

Mức độ nguy hiểm của tin giả được ví như một loại virus gây ra thứ bệnh rất khó chữa cho xã hội, cho nhân loại. Đó là bệnh hoài nghi, do dự, mất niềm tin, xã hội nhiễu loạn, mất phương hướng... Thiệt hại của nó nhiều khi không thể đo đếm được và tác động đến mọi mặt đời sống. Việc sản xuất, lan truyền và sử dụng tin giả làm “vũ khí”, vừa gây nhiễu loạn thông tin, chia rẽ xã hội sâu sắc và gây những hậu quả kinh tế khôn lường.

Nhà báo Trần Bá Dung cho rằng, hậu quả dễ thấy đối với xã hội là tin giả thao túng xã hội, làm cho con người thậm chí không tin vào sự thật, không tin vào những điều vốn đã là đức tin, làm mất đi động lực sống chân chính, lành mạnh.

 
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng tin giả, đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả, ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108 nhằm lan tỏa sự thật, đẩy lùi tin xấu độc.

Tin giả gây tâm lý hoang mang trong xã hội trước một vấn đề đang cần sự thống nhất tư tưởng; hoang mang trước một việc chưa rõ đúng- sai cần xã hội phân xử, thậm chí hoang mang, hiểu sai trước một việc mà chính quyền đang giải quyết, xử lý; gây khó khăn cho chính quyền, cộng đồng khi cần có tiếng nói thống nhất.

Đặc biệt, tin giả còn nhắm vào các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, nhắm vào các đồng chí lãnh đạo các cấp, nhằm làm lung lạc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, với chế độ.

LỰC LƯỢNG TUYẾN ĐẦU TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG TIN GIẢ

Loài người đã có vaccine để chống Pandemic nhưng chưa có vaccine hiệu quả để chống lại Infodemic. Trong khi đó, đa số người dân đều chưa có sức đề kháng chống lại “virus tin giả”. Thậm chí, ngay cả những người có trình độ, có địa vị trong xã hội cũng mắc bẫy tin giả, hoặc vô tình tiếp tay cho tin giả lan truyền.

 
"Trong thời buổi tin giả tràn lan thì báo chí càng có cơ hội để giành lại công chúng. Tôi đã nhiều lần đọc được các bình luận tại nhiều diễn đàn mỗi khi có thông tin nóng được lan truyền mà chưa có kiểm chứng, đó là “đợi xem báo chí chính thống phản ánh chưa”. Rõ ràng, độc giả vẫn chờ đợi báo chí thực hiện chức năng xác thực thông tin. Thống kê chủ quan từ VietnamPlus, những thông tin kiểu “Bác bỏ tin đồn” đều có lượng truy cập rất cao, chứng tỏ vai trò của báo chí chính thống đã phát huy hiệu quả".
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus

Do đó, ông Nhật khẳng định, để chống lại tin giả đòi hỏi sự chung tay của nhiều người, nhiều ngành, từ cơ quan chức năng cho đến mỗi người dân. Chính quyền cần có những chế tài đủ mạnh, báo chí cần liên kết tạo thành một mạng lưới xác thực thông tin, hoặc tạo thành màng lọc giúp người dân nhận biết tin giả...

Điều quan trọng là báo chí cần thay đổi cách thông tin, tiếp cận độc giả. Các chuyên gia truyền thông nói báo chí đang là những người du mục trong thời đại kỹ thuật số, độc giả tập trung ở nền tảng nào thì báo chí cần đến nền tảng đó để lan tỏa thông tin đúng đắn.

Theo ông Nhật, để tin giả lan truyền cũng có phần trách nhiệm của báo chí. Do đó, báo chí cần nhìn lại bản thân, để đưa tin một cách có trách nhiệm hơn. Cùng với đó, báo chí cũng cần phát huy vai trò giáo dục nhận thức, chẳng hạn như mở các chuyên mục nhận biết tin giả, hoặc lớp tập huấn chống lại tin giả cho thế hệ trẻ. Đó là cách mà Thông tấn xã Việt Nam đã làm.

Đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tin giả, ông Dung cho rằng trước hết người tiếp nhận thông tin tự nâng sức “đề kháng” trước sự tấn công của tin giả và không tiếp tay lan truyền tin giả. Thứ hai là hệ thống báo chí, truyền thông chuyên nghiệp mà trực tiếp là các nhà báo cần nghiêm túc áp dụng nguyên tắc không bỏ trống trận địa thông tin cho tin giả và nguyên tắc xác minh có trách nhiệm đối với tất cả các thông tin; cảnh giác trước mọi tin tức không rõ nguồn hoặc nguồn tin không đáng tin cậy. Thứ ba là phải có ngay thông tin phản bác, làm rõ, định hướng dư luận kịp thời...

Ông Dung khẳng định, báo chí và người làm báo có vai trò xung kích, ở tuyến đầu và chủ lực trong cuộc chiến chống tin giả. Nhằm đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn và không bị “mắc bẫy” tin giả; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng tới người đọc, nhà báo cần luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, nhất là thái độ thận trọng, cảnh giác trước thông tin không rõ nguồn gốc; có kiến thức để tự “đề kháng” thẩm định, sàng lọc tin tức giả, xấu độc...

Để nắn dòng thông tin sai lệch, lấn át tin giả, lấy lại niềm tin độc giả trước bối cảnh lượng thông tin trên mạng xã hội hàng ngày rất lớn và lan truyền chóng mặt, nhà báo nên thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, cung cấp thông tin chính thống kịp thời; đồng thời dùng chiến thuật “pha loãng” thông tin giả bằng cách đẩy thật nhanh, thật nhiều thông tin chính thống lên mạng...

 
Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam
Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam
Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nghiệp vụ Hội đã và đang luôn luôn hỗ trợ các hội viên bằng việc mở các chuyên đề, khóa tập huấn, các hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ về nhận diện tin giả, tác hại của vấn nạn tin giả, tác động tiêu cực tới hoạt động báo chí, vai trò của báo chí và trách nhiệm của nhà báo trong chống tin giả; kĩ năng nhận biết, cảnh báo, sàng lọc, thẩm định tin tức, ngăn chặn tin giả; kĩ năng sáng tạo tác phẩm báo chí phù hợp để chống lại tin giả.