Vẫn khó "chốt" phương án xử lý tài sản bất minh
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến môt số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
Xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý nhưng thu thuế thu nhập cá nhân cũng chưa phải được là phương án được "chốt" để xử lý tài sản bất minh tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng "sừa đổi" mới nhất.
Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 13/7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn của dự án luật này.
Qua nhiều phiên thảo luận, xử lý tài sản thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 59) là vấn đề còn rất nhiều quan điểm khác nhau.
Tổng hợp lại, cơ quan thẩm tra dự án luật (Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân và đề nghị, sau khi có kết luận xác minh thì cần phân biệt: tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý. Tài sản, thu nhập có dấu hiệu do vi phạm pháp luật mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý. Tài sản, thu nhập hợp pháp nhưng chưa nộp thuế thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để xử lý theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.
Riêng tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan nhà nước cũng chưa chứng minh được do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có thì chuyển sang cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế và thuế suất (phương án thu thuế thu nhập cá nhân).
Một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là xử phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập (phương án xử phạt hành chính).
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phương án khác là quy định cụ thể hơn theo hướng: tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sau khi có kết luận phải phân biệt rõ: nếu tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, tài sản, thu nhập chưa nộp thuế thì xử lý như phương án 1. Riêng tài sản, thu nhập tuy người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc nhưng nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai; do đó, không cần phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (phương án do đại biểu Quốc hội đề xuất).
Sau khi phân tích ưu và nhược điểm của từng phương án, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án luật cho rằng phương án xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Đối với 2 phương án còn lại, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thống nhất chọn phương án 1, thu thuế thu nhập cá nhân là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và có tính khả thi nhất.
Theo đó, ngoài các quy định về xử lý đối với tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có thì đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng chưa chứng minh được do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì:
Phương án 1: cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất.
-Phương án 2: chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để phân loại, tài sản, thu nhập nào chứng minh được thuộc diện chịu thuế thì yêu cầu nộp thuế; các tài sản, thu nhập khác vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai.
Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khác nhau, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền và xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về 2 phương án: phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án do đại biểu Quốc hội đề xuất để có căn cứ chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua.
Theo đó, điều 59 được chỉnh lý như sau:
Điều 59. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
1. Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập phải:
a) Nếu tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do phạm tội mà có thì chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý;
b) Nếu tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử lý;
Phương án 1:
c) Nếu theo quy định của pháp luật về thuế tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân Phương án 2:.
(Theo phương án này thì Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ phải sửa đổi để bổ sung đối tượng chịu thuế tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và bổ sung khung thuế suất).
Phương án 2:
c) Nếu tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu chưa nộp thuế thì chuyển vụ việc sang Cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền xử lý.
(Theo phương án này thì Luật Thuế thu nhập cá nhân không phải sửa đổi mà được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành).
2. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm pháp luật, xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý về nguồn gốc có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
3. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản 1 điều này.