10:58 17/08/2022

Vàng thế giới tiếp tục trượt giá khi đồng USD lên đỉnh 3 tuần

Điệp Vũ

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (17/8) thậm chí không giảm mà còn tăng, khiến chênh lệch với giá quốc tế kéo giãn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới duy trì xu hướng giảm do tỷ giá đồng USD đạt ngưỡng cao nhất trong 3 tuần trong lúc nhà đầu tư chờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (17/8) thậm chí không giảm mà còn tăng, khiến chênh lệch với giá quốc tế kéo giãn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/8 tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD/oz, tương đương giảm 0,25%, còn 1.776,6 USD/oz. Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.777,6 USD/oz.

Trước đó, giá vàng đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Giá kim loại quý này đối mặt với áp lực giảm do đồng USD có lúc đạt mức cao nhất 3 tuần trong phiên ngày 16/8. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác dao động quanh mốc 106,4 điểm, giảm nhẹ so với mức 106,5 điểm vào sáng qua.

“Giá vàng đang đuối sức vì USD tăng giá trước khi Fed công bố kết quả cuộc họp tháng 7. Thị trường vàng sẽ giằng co cho tới cuộc họp tháng 9 của Fed”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed sẽ được công bố vào ngày 16/8.

“Biên bản này có thể khẳng định rằng Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Điều đó sẽ hỗ trợ đồng USD và đặt ra sức ép mất giá đối với vàng”, ông Moya nói thêm.

Tuần trước, sau khi các con số thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm tốc, nhiều nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng Fed giãn tiến độ tăng lãi suất. Nhưng sau đó, các quan chức Fed không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát. Vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu nhưng lãi suất tăng khiến cho tài sản không mang lãi suất như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.

Nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China International cũng cho rằng việc giới đầu tư rút vốn khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng cũng đang gây áp lực mất giá lên vàng.

Trong phiên ngày 16/8, ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm khoảng 2 tấn vàng, giảm nắm giữ còn hơn 992 tấn vàng. Trong 1 vòng 1 tuần, quỹ này đã bán ròng hơn 6 tấn vàng, giảm mức nắm giữ xuống sâu hơn dưới mốc 1.000 tấn đã được duy trì trong phần lớn thừoi gian từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, “khi nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng, mức độ giảm giá của vàng sẽ được hạn chế cho dù lãi suất có tăng mạnh” - một báo cáo của ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Sau khi đứng im trong buổi sáng, giá vàng miếng trong nước đã được điều chỉnh tăng.

Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,35 triệu đồng/lượng và 53,15 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 50,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ 16,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ thấp hơn 16,4 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.265 đồng (mua vào) và 23.545 đồng (bán ra), tăng 5 đồng/USD ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.