10:45 15/08/2022

Lạm phát khiến Hàn Quốc giảm ngân sách lần đầu tiên sau 13 năm

Bình Minh

Hàn Quốc sẽ cắt giảm ngân sách quốc gia lần đầu tiên trong 13 năm trong năm 2023, thắt chặt chi tiêu khi lạm phát và lãi suất tăng cao trên phạm vi toàn cầu...

Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ở Seoul - Ảnh: Getty/CNBC.
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ở Seoul - Ảnh: Getty/CNBC.

Phát biểu vào cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-Ho cho biết Chính phủ nước này sẽ “giảm mạnh” ngân sách năm 2023 từ mức 679 nghìn tỷ Won, tương đương 521 tỷ USD, của tài khoá hiện tại.

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục tăng ngân sách từ năm 2010, nhất là dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in, người lãnh đạo nước này trong thời gian đại dịch Covid-19 căng thẳng.

“Chúng tôi sẽ phải thắt lưng buộc bụng. Chính quyền trước đã vay nợ nhiều, chúng tôi không thể như vậy được”, ông Choo nói.

Từ khi lên cầm quyền vào tháng 5 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tìm cách cắt giảm chi tiêu và tăng thu ngân sách từ thuế. Dù vậy, sau khi lên cầm quyền, chính quyền của ông Yoon đã đề xuất một kế hoạch ngân sách bổ sung 62 nghìn tỷ Won, tương đương hơn 47 tỷ USD, nhằm kích cầu nền kinh tế và đã được Quốc hội thông qua sau vài tuần.

Song song với nỗ lực hạn chế chi tiêu của Chính phủ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã có 4 lần tăng lãi suất từ đầu năm, đưa lãi suất cơ bản lên mức 2,25%.

Trong tháng 7, lạm phát của Hàn Quốc lên mức 6,3%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1998.Thống đốc BoK đầu tháng này phát tín hiệu có thể tiếp tục nâng lãi suất để ghìm đà leo thang của giá cả.

Nền kinh tế Hàn Quốc bất ngờ tăng tốc trong quý 2 nhờ tiêu dùng mạnh lên khi các biện pháp chống Covid được nới lỏng, bù đắp cho kết quả gây thất vọng của khu vực xuất khẩu.

Số liệu công bố cuối tháng 7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hàn Quốc tăng 0,7% trong quý 2 so với quý 1, so với mức tăng 0,6% đạt được trong quý 1 và mức dự báo tăng 0,4% đưa ra trong cuộc khảo sát chuyên gia của hãng tin Reuters. So với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á tăng 2,9% trong quý 2, cao hơn mức dự báo tăng 2,5% mà giới phân tích đưa ra nhưng thấp hơn mức tăng 3% đạt được trong quý 1.

Giới phân tích cho rằng mức tăng trưởng khả quan của nền kinh tế sẽ tạo điều kiện để BoK tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Trong tháng 7, BoK đã có đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm - một bước nhảy chưa từng có tiền lệ.

“Nền kinh tế chắc chắn sẽ giảm tốc do lạm phát kéo dài và xuất khẩu yếu đi, nhưng mức tăng trưởng GDP quý 2 sẽ là động lực để BoK tiếp tục xem lạm phát là rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia kinh tế Chun Kyu-yeon của Hana Financial Investment nhận định.

Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, BoK đã nâng lãi suất tổng cộng 1,75 điểm phần trăm, từ mức thấp kỷ lục 0,5%. Giới chuyên gia kinh tế dự báo đến cuối năm nay, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc sẽ đạt mức 2,75%. Cuộc họp tiếp theo của BoK sẽ diễn ra vào ngày 25/8.

Lãi suất tăng cao sẽ khiến gánh nặng nợ nần bị khuếch đại nếu một chính phủ tiếp tục vay nợ nhiều để chi tiêu. Bởi vậy, việc Chính phủ cắt giảm chi tiêu được đánh giá là có lý do xác đáng.

Khi đưa ra tuyên bố cắt giảm ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Choo cảnh báo sẽ có “một sự sụt giảm kỷ lục” về chi tiêu công và phát hành trái phiếu chính phủ cũng sẽ giảm, nhưng không đưa ra những con số cụ thể. Ngoài ra, các bộ trưởng và thứ trưởng trong Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải nộp lại 10% tiền lương cho nhà nước, như một phần trong nỗ lực cắt giảm ngân sách.

Theo ông Choo, lạm phát của Hàn Quốc có vẻ như đã gần đỉnh. “Một số người nói lạm phát có thể lên tới 7%, nhưng tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra, trừ phi có một sự kiện kiểu thảm hoạ lớn”.