Đi ngược xu hướng toàn cầu, Trung Quốc hạ lãi suất để "cứu" tăng trưởng
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 15/8 bất ngờ hạ lãi suất, khi các số liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế nước này mất đà trong tháng 7 do các đợt phong toả mới để chống Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng...
PBOC cắt giảm một lãi suất chủ chốt áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn cấp cho các ngân hàng thương mại về 2% từ 2,1%. Lãi suất của chương trình cho vay 1 năm cũng giảm về 2,75% và 2,85%, nhằm “duy trì mức thanh khoản phù hợp và đầy đủ trong hệ thống ngân hàng” – theo một tuyên bố của PBOC. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, PBOC cắt giảm những lãi suất này.
ĐỘNG THÁI GÂY BẤT NGỜ
Động thái của PBOC đã gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi hoàn toàn nằm ngoài dự kiến. Trước đó, ngân hàng trung ương này tỏ ra lưỡng lự với việc giảm thêm lãi suất vì lo ngại về sự gia tăng của nợ nần, lạm phát và áp lực mất giá đối với đồng Nhân dân tệ, cho dù nền kinh tế Trung Quốc đã gần như không tăng trưởng trong quý 2 năm nay. Thống kê công bố hồi trung tuần tháng 7 cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 0,4% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ngoài ra, việc PBOC hạ lãi suất cũng đi ngược lại xu hướng hiện nay của chính sách tiền tệ trên toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương lớn đều đang trong chu kỳ thắt chặt để chống lại sự leo thang của lạm phát, bất chấp việc đó có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
"Chính phủ Trung Quốc vẫn đang thận trọng về tăng trưởng và sẽ không sớm từ bỏ những nỗ lực bảo vệ tăng trưởng”.
Chiến lược gia Zing Zhaopeng, ANZ
“Có vẻ như PBOC giờ đây đã xác định được đâu là vấn đề cấp bách hơn. Loạt dữ liệu mới nhất cho thấy đà tăng trưởng kinh tế trong tháng 7 yếu đi. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm, phản ánh độ nhạy với sự nới lỏng chính sách đã yếu hơn so với các đợt suy giảm tăng trưởng trước đây”, chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định trong một báo cáo được trang CNN Business trích dẫn.
“Đợt giảm lãi suất này khiến chúng tôi ngạc nhiên. Đây chắc là phản ứng của Trung Quốc với dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng suy yếu công bố hôm thứ Sáu. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang thận trọng về tăng trưởng và sẽ không sớm từ bỏ những nỗ lực bảo vệ tăng trưởng”, chiến lược gia Zing Zhaopeng của ANZ nói với hãng tin Reuters.
Các chuyên gia của ngân hàng thì ING nói rằng thị trường xem động thái hạ lãi suất của Trung Quốc là một chỉ báo bi quan. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Đồng Nhân dân tệ cũng xuống giá so với đồng USD.
Các số liệu kinh tế Trung Quốc công bố ngày 15/8 cho thấy tình hình tháng 7 tệ hơn dự báo.
Doanh thu bán lẻ tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 3,1% của tháng 6 – theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS). Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 5% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Sản lượng công nghiệp tháng 7 tăng 3,8%, thấp hơn mức tăng 3,9% của tháng 6 và không đạt dự báo tăng 4,6% mà giới phân tích đưa ra.
Thị trường địa ốc Trung Quốc cũng tiếp tục đà tụt dốc. Đầu tư bất động sản của các công ty phát triển địa ốc giảm 6,4% trong 7 tháng đầu năm, sâu hơn mức giảm 5,4% ghi nhận trong 6 tháng đầu năm – theo NBS. Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 7.
“Số liệu tháng 7 cho thấy sự phục hồi hậu phong toả của Trung Quốc đang bị hụt hơi, vì cú huých từ mở cửa trở lại đã không còn, và làn sóng người vay tiền mua nhà từ chối trả nợ ngân hàng đang khiến cho tình hình thị trường địa ốc xấu đi thêm”, chuyên gia Evans-Pritchard của Capital Economics nhấn mạnh.
ÁP LỰC TỪ ZERO COVID VÀ KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN
Chiến lược chống dịch Zero Covid của Trung Quốc đã dẫn tới quãng thời gian phong toả kéo dài hàng tháng trời ở hàng chục thành phố lớn của nước này trong năm nay, bao gồm trung tâm tài chính và vận tải biển Thượng Hải. Trong thời gian phong toả, các hoạt động kinh doanh ngưng trệ, các nhà máy phải đóng cửa, và hàng triệu cư dân phải ở yên trong nhà, dẫn tới sự gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh tế.
Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế vào đầu tháng 6, dỡ bỏ hạn chế tại một số thành phố lớn. Các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của nước này bắt đầu cho thấy những tín hiệu khởi sắc sau đó. Tuy nhiên, nhiều thành phố lại tái áp các hạn chế chống dịch vào cuối tháng 6 do không thể khống chế được sự lây lan của biến chủng phụ BA.5. Theo một cuộc khảo sát mới đây của ngân hàng Nomura, trong tuần tính đến ngày 18/7, có 41 thành phố Trung Quốc phong toả, từ con số 31 thành phố trong tuần trước đó.
Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 30% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc cũng đang đặt ra áp lực lớn lên nền kinh tế. Làn sóng người mua nhà tạm dừng việc trả nợ ngân hàng cho tới khi nhận được nhà đang gây ra một sự suy giảm niềm tin mạnh mẽ trên thị trường, khiến các công ty địa ốc và chính quyền phải xoay sở biện pháp ứng phó. Điều đáng nói là làn sóng dừng trả nợ này diễn ra giữa lúc thị trường địa ốc Trung Quốc đang chìm trong cuộc khủng hoảng thanh khoản tại những doanh nghiệp vào hàng lớn nhất và tình trạng giảm giá nhà kéo dài.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng làn sóng tẩy chay trả nợ vay mua nhà ở Trung Quốc sẽ càng khiến những người có ý định mua nhà thêm chần chừ, từ đó có thể khiến doanh số thị trường bất động sản nước này giảm sâu hơn.
Ông Evans-Pritchard nói hiện chưa thể kết luận liệu động thái giảm lãi suất mới nhất của PBOC có đủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hay không. “Sự suy yếu gần đây của nhu cầu vốn vay có một phần nguyên nhân từ những vấn đề mang tính cơ cấu, phản ánh sự suy giảm niềm tin vào thị trường bất động sản và tình trạng bấp bênh gây ra bởi những gián đoạn trở đi trở lại do chiến lược Zero Covid”, ông nói. “Những trở ngại này không thể được giải quyết một cách dễ dàng thông qua chính sách tiền tệ”.