VCCI: Cần cho phép ngân hàng khiếu nại khi bị xếp hạng tín nhiệm thấp
Góp ý về quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VCCI kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng bị xếp hạng thấp được trao đổi, giải thích về hoạt động của mình....
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản phản hồi sau khi tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
CẦN ĐƯỢC GIẢI THÍCH VÀ CÓ QUYỀN PHẢN BIỆN
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định hướng dẫn Luật này và các Thông tư liên quan chưa có bất kỳ quy định nào về quyền của tổ chức tín dụng được phản hồi về kết quả đánh giá và nghĩa vụ giải thích của cơ quan đánh giá về kết quả xếp hạng.
Điều này đồng nghĩa là pháp luật đang thiếu vắng cơ chế khiếu nại, giải quyết khiếu nại, thủ tục, trình tự và thời hạn trả lời tổ chức tín dụng khi không đồng ý với kết quả xếp hạng.
Hiện tại, việc xếp hạng của tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52 được quản lý theo dạng bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng. Vì vậy, cho dù trường hợp kết quả xếp hạng không được tổ chức tín dụng đồng thuận thì thiệt hại chỉ nằm trong bản thân đó.
Mục đích của xếp hạng là giúp các tổ chức tín dụng tự nhìn vào tổ chức, hoạt động của mình. Đồng thời phục vụ cơ quan quản lý ban hành chính sách, thanh tra, giám sát thị trường tài chính, ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, kết quả xếp hạng trực tiếp ảnh hưởng tới tổ chức tín dụng. Đặc biệt, đối với tổ chức tín dụng bị xếp hạng thấp thì sẽ bị cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Đây là điều không tổ chức tín dụng nào mong muốn.
Do vậy, VCCI cho rằng, cần thiết có quy định trong trường hợp tổ chức tín dụng không đồng ý với kết quả đánh giá của cơ quan quản lý thì đơn vị đó có quyền trao đổi, giải thích để cơ quan quản lý hiểu rõ về hoạt động của mình.
Đồng thời, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cũng phải có nghĩa vụ giải thích, trao đổi với tổ chức tín dụng khi có khiếu nại về kết quả xếp hạng. Hơn thế nữa, bổ sung quy định này không làm phát sinh chi phí quản lý mà còn tăng cường tính minh bạch của hoạt động xếp hạng.
Thêm vào đó, về quản lý kết quả xếp hạng, ý kiến của một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu rằng cần cho phép báo cáo kết quả xếp hạng với ngân hàng mẹ với điều kiện giữ bí mật thông tin này.
"Điều này là hợp lý và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tín dụng khác. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định tại Điều 23 Dự thảo theo hướng cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp kết quả xếp hạng cho ngân hàng mẹ với các điều kiện nhất định về giữ an toàn thông tin", văn bản VCCI đề xuất.
CHÊNH LỆCH ĐIỂM QUÁ LỚN TRONG CÙNG MỨC XẾP HẠNG
Cũng theo VCCI, Dự thảo Thông tư hiện quy định 5 mức xếp hạng của các TCTD là: A, B, C, D, E dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng CAMELS đã được sử dụng phổ biến trên thế giới. Hệ thống này đã được sử dụng lâu dài bởi nhiều quốc gia, được coi là thước đo tiêu chuẩn sức khoẻ của các tổ chức tín dụng.
Theo VCCI, nếu không có các mức xếp hạng chi tiết hơn thì có thể dẫn đến tình trạng đánh đồng các tổ chức tín dụng với những khác biệt quá lớn, dẫn đến chính sách ban hành cho các tổ chức tín dụng này sẽ không hiệu quả do dựa trên kết quả không phản ánh đúng thực tế hoạt động của các tổ chức đó.
Tuy nhiên, VCCI cho biết, nghiên cứu chính sách về xếp hạng doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, dù việc xếp hạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài của Thông tư không có mục đích và quy trình giống các bảng xếp hạng quốc tế như Standard & Poors, Moody’s, Fitch Ratings (các xếp hạng này dựa trên nhu cầu của thị trường, của bản thân các ngân hàng, các bên thứ ba khác) và việc xếp hạng cũng mới được áp dụng từ năm 2019, nhưng cần thiết xem xét chia nhỏ các mức xếp hạng thay vì chỉ có 5 mức A, B, C, D, E như hiện tại để đánh giá sát hơn tình hình của tổ chức tín dụng. Từ đó có ứng xử tương ứng với từng tổ chức tín dụng được chính xác và hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, các xếp hạng B được tính như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng B (Khá) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5”. Đồng nghĩa việc, tổ chức tín dụng được 4,4 điểm và tổ chức tín dụng được 3,5 điểm dù có sự chênh lệch lớn về mức độ rủi ro/tuân thủ nhưng vẫn được xếp cùng hạng.
Tương tự với cách xếp hạng C (nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5); hạng D (nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5).Theo VCCI, nếu không có các mức xếp hạng chi tiết hơn thì có thể dẫn đến tình trạng đánh đồng các tổ chức tín dụng với những khác biệt quá lớn, dẫn đến chính sách ban hành cho các tổ chức tín dụng này sẽ không hiệu quả do dựa trên kết quả không phản ánh đúng thực tế hoạt động của các tổ chức đó.
"Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chia nhỏ các hạng căn cứ vào các mức điểm khác nhau nhằm phân loại chính xác và sát với tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng", văn bản VCCI đề xuất.