VGLF 2024: Việt Nam cần một bước ngoặt trong chiến lược phát triển
Khi những trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn gặp khó và con đường đi đến thịnh vượng gặp nhiều thách thức thì Việt Nam cần một bước ngoặt trong chiến lược phát triển…
Thu hút hơn 100 người Việt có tầm ảnh hưởng từ 20 quốc gia, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) 2024 diễn ra sáng ngày 30/3 (theo giờ địa phương) tại Paris (Pháp) đã thảo luận về cách thức để Việt Nam tiến tới sự phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) bày tỏ: “Đây là một ngày đặc biệt, ngày của sự hội tụ trí tuệ, tri thức, tinh thần, năng lượng, và tinh hoa văn hoá Việt Nam. Những con người có tầm ảnh hưởng đã vượt qua nhiều chặng đường, thách thức về không gian và thời gian để đến với VGLF 2024”.
Dẫn lại câu nói “Chúng ta đang ở một bước ngoặt trong chiến lược phát triển. Những chiến lược từng hoạt động tốt trong quá khứ khó có thể tiếp tục hoạt động tốt trong những thập kỷ tới” của Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học người Mỹ và chủ nhân của Giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008, ông Khương cho rằng những trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn khá lớn, khi mà các cuộc chiến tranh và các thách thức từ cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược liên tục tiếp diễn. Trong khi đó, các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, thách thức về khí hậu, và việc tái cấu trúc toàn cầu hóa rõ ràng đòi hỏi một cách tiếp cận mới để phát triển.
“Trong môi trường quốc tế thay đổi liên tục và khó dự đoán như vậy, Việt Nam cần tìm ra con đường riêng hướng tới sự bền vững, công bằng và thịnh vượng. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về “Vươn mình trong biến động: Việt Nam và Con đường phía trước”, đặc biệt là làm thế nào để cùng nhau kiến tạo thịnh vượng toàn diện”, GS-TS Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.
Đây là lần thứ hai VGLF diễn ra kể từ sau VGLF 2019 để thảo luận về các lĩnh vực khác nhau như y tế, công nghệ, thương hiệu, kinh tế, năng lượng… nhằm tìm kiếm về cách thức “đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam”, từ đó nhận diện những thách thức và cơ hội của Việt Nam trên con đường hướng tới thịnh vượng.
Diễn đàn gồm nhiều phiên trao đổi với đa dạng chủ đề như: Phồn thịnh cùng nhau; Năng lực phục hồi và bền vững: Kinh tế và xã hội; Phát triển mạnh mẽ trong thế giới biến động: Chúng ta đón nhận sự đổi mới và đột phá về công nghệ như thế nào?; Kiến tạo thịnh vượng toàn diện; Sức mạnh của con người trong thế giới biến động; Trí Tuệ Việt: Dám Mơ - Dám Đi - Dám đến.
Sau phiên khai mạc, đã diễn ra phiên toàn thể với sự tham dự của ông Philipp Rösler, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures (Thụy Sỹ); ông Hamilton Mann, Phó Chủ tịch phụ trách số hóa, Thales (Pháp).
Tại phiên thảo luận, ông Philipp Rösler cho rằng, hiện nay nhiều cuộc xung đột, sự thay đổi chính trị vẫn đang diễn ra tại các nước trên thế giới.
“Hơn lúc nào hết, đây là lúc cần hợp sức lại và đó cũng chính là cách tốt nhất để phát triển. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, trong mỗi cuộc xung đột thì luôn luôn có giải pháp”, ông Philipp Rösler nói.
Theo ông Philipp Rösler, có nhiều tín hiệu tốt cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó là các quyết định chiến lược của Chính phủ Việt Nam đang có hiệu lực. Việt Nam hiện ở đúng cơ hội, đúng thời điểm để tìm ra con đường cùng nhau hướng tới sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, Việt Nam là một đất nước trung lập trong nhiều thế kỷ và tìm ra nhiều giải pháp hòa bình.
“Vì thế, Việt Nam có thể đóng vai trò vì lợi ích của nhân loại, chúng ta hãy gắn kết mọi người lại với nhau, để cùng nhau tìm ra giải pháp”, ông Philipp Rösler nhấn mạnh.
Lựa chọn chủ đề “Thời đại kỹ thuật số có thể đảm bảo sự thịnh vượng của các quốc gia?”, ông Hamilton Mann, Phó Chủ tịch phụ trách số hóa, Thales (Pháp) đưa ra những thông điệp chính định hướng các trách nhiệm cho kỷ nguyên công nghệ.
Đó là, đổi mới sáng tạo sẽ không mang lại hiệu quả nếu không đi đôi với sự tiến bộ. Mỗi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng người dân bị thiệt thòi. Điều cốt lõi là sự đổi mới phải phục vụ sự tiến bộ cho tất cả. Đây là trách nhiệm của các công ty tạo ra công nghệ nhưng cũng là trách nhiệm của mọi công dân, trong việc suy nghĩ về cách công nghệ có thể phục vụ tất cả mọi người trong cộng đồng.
Sẽ không có tiến bộ nếu không có sự khám phá. Tư duy của một nhà thám hiểm đặt vào con người chứ không phải AI hay bất kỳ máy móc nào. Tận dụng công nghệ cần kết hợp con người với AI để giải quyết những vấn đề lớn nhất hành tinh.
Đặc biệt, theo ông Hamilton Mann, con người là ưu tiên hàng đầu: Sự nhìn nhận của con người là rất quan trọng, mọi điều xảy ra tiếp theo không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chính vào chúng ta…