Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 1
Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 2

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế phát triển của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, ông nghĩ như thế nào về vai trò của Việt Nam?

Theo tôi, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành hình mẫu thế giới trong phát triển bền vững. Với vị trí chiến lược, nền kinh tế năng động và cam kết tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể nhanh chóng đạt được tiến bộ kinh tế trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp. Bằng cách khai thác nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và hợp tác với các đối tác quốc tế, Việt Nam có tiềm năng truyền cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển khác và chứng minh rằng một nền kinh tế xanh không những khả thi mà còn đem tới sự thịnh vượng.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế phát triển bền vững, theo ông, những chiến lược nào là cần thiết để Việt Nam phát triển trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng như hiện nay? Làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư quốc tế để phát triển nền kinh tế xanh và tạo sự bền vững?

Để xây dựng nền kinh tế xanh và thịnh vượng, Việt Nam cần 3 chiến lược chính.

Thứ nhất, sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản hơn để khuyến khích đầu tư vào nguồn năng lượng tự nhiên.

Thứ hai, đào tạo kỹ năng cần thiết cho người lao động làm việc trong các ngành thân thiện với môi trường.

Thứ ba, hợp tác với các nước khác để có được nguồn tài trợ và kiến ​​thức cho các dự án môi trường.

Bằng cách tạo ra môi trường hấp dẫn cho đầu tư xanh, Việt Nam có thể thu hút được nguồn vốn cần thiết cho các dự án năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững. Dự kiến, nguồn vốn này có thể lên khoảng hơn 10 tỷ USD mỗi năm.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 3

Vậy, Việt Nam cần ưu tiên những chính sách và sáng kiến ​​nào để đạt được phát triển bền vững mà không ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội?

Một kế hoạch hợp lý để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn sẽ đảm bảo mọi người cùng hưởng lợi. Tục ngữ Việt Nam có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Điều này có nghĩa rằng Việt Nam phải ưu tiên các chính sách toàn diện nhằm thúc đẩy cả sự bền vững về môi trường và công bằng xã hội.

Đối với các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, kết nối với lưới điện quốc gia vẫn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động sản xuất năng lượng sạch tại địa phương như thủy điện nhỏ hoặc năng lượng mặt trời ngày càng mang lại hiệu quả về mặt chi phí.

Người lao động trong các ngành công nghiệp thải nhiều carbon cần các chương trình hỗ trợ chuyển đổi. Ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi có định hướng rõ ràng hướng tới năng lượng gió. Đối với ngành điện than, ngành này cần có nhiều thời gian hơn để chuyển đổi vì các nhà máy điện còn khá mới, nhưng việc hạn chế phát triển than đã được đề cập tới trong các quy hoạch năng lượng của Chính phủ.

Mạng lưới an sinh xã hội cần được duy trì và cải thiện, đặc biệt là về khả năng chi trả năng lượng cho các hộ nghèo.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 4

Ông khuyến nghị những hành động cụ thể nào để Việt Nam đạt được thành công đột phá?

Những năm trước, công cuộc Đổi mới đã giải phóng tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Tương tự, một cách tiếp cận táo bạo trong quá trình chuyển dịch năng lượng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam nên tập trung thực hiện quy hoạch phát triển năng lượng, triển khai nhanh chóng các dự án năng lượng tái tạo đã được chứng minh hiệu quả như năng lượng mặt trời và gió, với mục tiêu lắp đặt năng lượng mặt trời trên hơn một nửa số mái nhà vào năm 2030.

Thí điểm các giải pháp đổi mới như nhà máy sản xuất pin lưu công suất lớn và lưới điện thông minh cũng rất quan trọng; dẫu vậy, tôi cho rằng nên cân nhắc kỹ việc phát triển quá nhanh ngành công nghiệp hydrogen xanh. Thúc đẩy một hệ sinh thái khởi nghiệp để đổi mới công nghệ sạch và khởi nghiệp cũng rất cần thiết.

Theo ông, liệu Việt Nam có nên kỳ vọng đột phá trong thu hút đầu tư chuyển dịch nguồn điện? Việt Nam cần làm gì để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nguồn điện tái tạo?

Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có tiềm năng to lớn để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngoài khơi. Mục tiêu năng lượng sạch của Việt Nam cũng đầy tham vọng.

Bây giờ là lúc hành động. Chìa khóa để thu hút đầu tư là giảm rủi ro nhằm làm chi phí vốn thấp hơn. Điều này phải được thực hiện bằng các chính sách ổn định, minh bạch. Khi những dự án đầu tiên có lãi, một loạt các dự án có khả năng huy động vốn sẽ theo sau. Bằng cách thể hiện cam kết rõ ràng và tạo môi trường thuận lợi, Việt Nam có thể khai thác làn sóng vốn xanh.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 5

Là một chuyên gia người Pháp gốc Việt, theo ông, đâu là cơ hội để thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Pháp cũng như châu Âu trong lĩnh vực năng lượng?

Cơ hội hợp tác năng lượng sạch giữa Việt-Pháp cũng như Việt Nam-châu Âu là rất hứa hẹn, bao gồm các chương trình R&D chung về lưới điện thông minh, hydrogen xanh, điện mặt trời nổi và điện mặt trời áp mái trong nông nghiệp. Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho ngành năng lượng của Việt Nam, do các tổ chức như AFD cung cấp thông qua tài trợ dự án và doanh nghiệp, cũng rất quan trọng.

Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam, trong đó có các tổ chức từ châu Âu, luôn tìm kiếm những đề xuất thú vị và các chuyên gia có trình độ cho các dự án về chuyển dịch năng lượng. Hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo lớn, chẳng hạn như sự hợp tác giữa Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong lĩnh vực nhiệt điện và tái tạo ở Việt Nam, cũng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 6

Làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng khoa học hai nước cùng hợp tác, chia sẻ kiến ​​thức trong lĩnh vực năng lượng, thưa ông?

Để thúc đẩy hợp tác kinh doanh và khoa học Việt-Pháp cũng như Việt Nam-châu Âu về năng lượng, cần tạo điều kiện trao đổi nhân sự và tham gia vào các trung tâm đổi mới chung; thống nhất các tiêu chuẩn và xóa bỏ rào cản chuyển giao công nghệ; cung cấp các ưu đãi cho quan hệ đối tác năng lượng xuyên biên giới.

Những nỗ lực chủ động để kết nối các hệ sinh thái đổi mới có thể đẩy nhanh việc chia sẻ kiến ​​thức vì lợi ích chung.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ ở cả hai nước tham gia vào lĩnh vực năng lượng và thúc đẩy những đột phá mới?

Thanh niên nên được đào tạo đủ kiến thức để thúc đẩy những đột phá cần thiết cho một hệ thống năng lượng bền vững trong tương lai. Việc truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và sự hứng thú của nghề nghiệp năng lượng sạch. Diễn đàn Sinh viên về năng lượng bền vững tại Hà Nội vào tháng 1/2022 là một ví dụ cho việc truyền cảm hứng này.

Đầu tư vào giáo dục STEM và các chương trình tái đào tạo kỹ năng phù hợp với nhu cầu của ngành năng lượng sạch là điều thiết yếu vì sự nhiệt tình của tập thể có khả năng vượt qua nhiều thách thức và sức ì. Việc tạo ra diễn đàn cho các nhà đổi mới trẻ phát triển và nhân rộng các ý tưởng mới, như Chương trình New Energy Nexus Việt Nam tại TP.HCM, cũng rất quan trọng.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 7

Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu và đạt được các mục tiêu về khí hậu để giúp Việt Nam không chỉ là “người tham gia trò chơi”, mà còn là “người thay đổi cuộc chơi” trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thưa ông?

Việt Nam có thể là quốc gia thay đổi cuộc chơi trong chương trình hành động vì khí hậu bằng cách chứng minh các lợi ích kinh tế - xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng sạch nhanh chóng cho các nền kinh tế đang phát triển; ủng hộ các chính sách khí hậu tham vọng hơn và hỗ trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương trên các diễn đàn quốc tế; thiết lập liên minh với các nhà lãnh đạo toàn cầu khác về khí hậu để cùng nhau đầu tư vào các giải pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Việc Việt Nam là thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2020 là điều đáng mừng, nhưng cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Bằng cách vượt lên trên sức nặng của mình, Việt Nam có thể thúc đẩy hành động táo bạo về khí hậu toàn cầu.

Ông có ý kiến gì về việc hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành năng lượng ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước?

Xây dựng lực lượng lao động cho ngành năng lượng sạch của Việt Nam là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo đó, cần cập nhật chương trình giảng dạy và mở rộng chương trình năng lượng tại các trường đại học, dạy nghề. Thành lập các trung tâm quốc gia xuất sắc về nghiên cứu và đổi mới năng lượng, chẳng hạn như bắt đầu từ công nghệ điện gió ngoài khơi và công nghệ lưu trữ năng lượng mặt trời. Phát triển quan hệ đối tác trong ngành và đào tạo nghề để cung cấp đào tạo thực hành.

Một cách tiếp cận toàn diện để phát triển nguồn nhân lực sẽ đảm bảo Việt Nam có đủ nhân tài để thúc đẩy tham vọng năng lượng của mình. Tôi luôn sẵn sàng cho sự chia sẻ kiến thức về năng lượng sạch và phát triển bền vững với Việt Nam.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 8

Với chủ đề “Việt Nam vươn mình trong biến động”, Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng – VGLF 2024 sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) trong hai ngày 30-31/3/2024.

VGLF 2024 được AVSE Global - Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, tổ chức sẽ tập trung đối thoại xoay quanh chủ đề chính “Việt Nam vươn mình trong biến động” với hai câu hỏi lớn: “Làm sao để kết nối nguồn lực nhằm phát huy tiềm lực và thúc đẩy Thịnh vượng Việt Nam trong biến động” và “Làm sao để nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới”.

Các phiên thảo luận sẽ tập trung vào các chuyên đề bao gồm: Năng lực phục hồi và bền vững; Phát triển mạnh mẽ trong thế giới biến động; Đón nhận sự đổi mới và đột phá về công nghệ; Những câu chuyện truyền cảm hứng; Các dự án xã hội, cộng đồng, ý tưởng Startup; Gặp gỡ B2B…

Bên cạnh các diễn giả ở tầm cỡ quốc tế như: Hamilton Mann, Phó Chủ tịch phụ trách số hóa, Thales (Pháp); Philipp Rosler, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital; Jan Rielaender, Giám đốc Phân tích và Đánh giá chiến lược quốc gia thuộc OECD Pháp,… Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, 100 người Việt và gốc Việt có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới trên các lĩnh vực kinh doanh, khoa học, nghệ thuật… để cùng hành động cho sự phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

AVSE Global - Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, được thành lập năm 2011, trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn mang lại hiệu quả sáng tạo đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam, thông qua kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể của chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu xuất sắc về chuyên môn và giàu khát vọng đóng góp cho đất nước. AVSE Global có thành viên ở trên 20 quốc gia và mạng lưới trên 10.000 chuyên gia ở phạm vi toàn cầu.

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 9

VnEconomy 25/03/2024 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2024 phát hành ngày 25/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững - Ảnh 10