10:44 30/03/2007

Vi phạm bản quyền ngày càng phức tạp

Phan Anh

Sau 1 năm, hàng chục nghìn vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được phát hiện, ngăn chặn, xử lý

Để thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc xác lập quyền và bảo hộ quyền cho các đối tượng.
Để thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc xác lập quyền và bảo hộ quyền cho các đối tượng.
Ngày 29/1/2006, 6 bộ đã ký kết Chương trình hành động số 168 hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006-2010.

6 bộ nói trên là Bộ Khoa học Công nghệ, Văn hóa Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Thương mại, Tài chính và Bưu chính Viễn thông.

Với sự phối hợp của các bộ, ngành, sau 1 năm, hàng chục nghìn vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được phát hiện, ngăn chặn, xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự và dân sự trong tất cả các lĩnh vực nổi cộm với các hình thức tinh vi.

Theo ông Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ, trong năm 2006, hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ đã được đẩy mạnh ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Riêng lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hóa - thông tin và các đội kiểm tra liên ngành đã kiểm tra trên 20.400 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá, phát hiện và xử lý 5.647 vụ vi phạm, cảnh cáo trên 500 cơ sở, đình chỉ hoạt động 289 cơ sở và tạm giữ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận hành nghề của 160 cơ sở, đồng thời chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 9 trường hợp, tịch thu và tiêu huỷ nhiều tang vật vi phạm hành chính.

Vi phạm gia tăng, thủ đoạn tinh vi

Trong vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa – thông tin là khá nổi cộm hiện nay ở Việt Nam với số lượng vi phạm, xử phạt lớn. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã lên đến gần 11 tỷ đồng.

Đối với vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp, thanh tra khoa học – công nghệ đã thanh kiểm tra hơn 1.500 trường hợp thì đã phát hiện và xử lý 107 cơ sở, buộc tiêu huỷ hoặc phải loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính gần 225 triệu đồng.

Có lẽ lĩnh vực vi phạm khá nóng gây khó khăn cho công tác thanh kiểm tra, kiểm soát của thị trường, hải quan... chính là hàng giả và hàng nhập lậu.

Cục Hải quan Hải Phòng trong năm qua đã thu giữ và tiêu huỷ hàng loạt các phụ kiện điện thoại mang nhãn hiệu Nokia giả, dây nối giả nhãn hiệu Sony, máy tính số học giả nhãn hiệu Casio. Cục Hải quan Nghệ An cũng đã thu giữ và tiêu huỷ 130 kg bao bì giả nhãn thiệu thiết bị điện Vanlock...

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại) cho biết, chỉ riêng trong năm 2006, lực lượng thị trường đã phát hiện 12.885 vụ vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, mỹ phẩm, trang sức, điện tử, giày dép, quần áo..., xử lý hơn 2.225 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn mác với tổng số tiền phạt lên tới 4,3 tỷ đồng.

Như vậy, trong cả 3 lĩnh vực cơ bản của sở hữu trí tuệ là bản quyền, sở hữu công nghiệp và giống cây trồng đã phát hiện và xử lý lượng lớn các vụ vi phạm.

Điều đó cũng cho thấy, mức độ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp thách thức các cơ quan quản lý.

Để giảm thiểu số vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Vũ Ngọc Anh - Tổng cục Hải quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ, mạnh mẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành. Việc quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ nằm trong 7 bộ mà phải toàn xã hội vào cuộc.

Phối hợp đồng bộ, quản lý, kiểm tra

Trước tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng phức tạp, Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin đã kiến nghị, trong quá trình xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cần phải có sự vào cuộc của tòa án.

Việt Nam cần phải có toà án riêng xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ bởi nếu chỉ thanh kiểm tra, xử phạt hành chính thì tác dụng răn đe các đối tượng sẽ khó có thể đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các lực lượng thanh tra, hải quan, thị trường, biên phòng, công an... phải phối hợp cùng thực thi, đồng thời đào tạo kiến thức và tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, một trong những điểm yếu trong công tác phòng, chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chính là trình độ và hiểu biết của cán bộ về vấn đề này còn rất yếu kém.

Thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải có một kế hoạch hành động cụ thể trong đào tạo kiến thức trong đó cần đào tạo trình độ cao hơn ở mức độ đại học.

Trong hoạt động thương mại đang tồn tại 4 mảng lớn trong đó có thương mại sở hữu trí tuệ. Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những nội dung cam kết lớn phải thực hiện khi Việt Nam vào WTO.

Mặc dù trên thế giới, hoạt động sở hữu trí tuệ đã hình thành ở các nước phát triển gần trăm năm nhưng ở Việt Nam mới được ghi nhận phát triển khoảng 10 năm trở lại đây.

Trong vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi và cũng là đối tượng bị xâm hại. Hơn ai hết các doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải xác lập được vai trò quyền sở hữu trí tuệ.

Công tác chống và thực thi quyền ở Việt Nam đã có những thành công nhưng trong công tác phòng chưa thực sự có hiệu quả. Do đó, để thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc xác lập quyền và bảo hộ quyền cho các đối tượng.

Vấn đề sở hữu trí tuệ và hoạt động liên quan sáng tạo đang trở thành tâm điểm được nhiều quốc gia quan tâm nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO.

Phòng chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một cuộc chiến quyết liệt, nếu không thực hiện tốt sẽ là rào cản trong hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập toàn cầu của không chỉ các doanh nghiệp mà ở tầm quốc gia.