08:42 13/02/2023

Vì sao Nga giảm sản lượng nửa triệu thùng dầu mỗi ngày?

An Huy

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Nga tuyên bố từ tháng 3 trở đi sẽ giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng mỗi ngày, tương đương 5% sản lượng của nước này...

Một con tàu chở dầu ở cảng Novorossiysk trên Biển Đen - Ảnh: AP.
Một con tàu chở dầu ở cảng Novorossiysk trên Biển Đen - Ảnh: AP.

Đây là động thái đáp trả mạnh tay đầu tiên của Moscow đối với một loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên hoạt động giao dịch dầu Nga trên thị trường toàn cầu thời gian gần đây.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu WTI giao sau tại New York đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Sáu sau khi quyết định của Moscow được công bố.

Tờ New York Times nhận định rằng dầu tăng giá chính là điều mà Nga đang mong muốn. Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới – đã buộc phải bán dầu thô với mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường, ước tính có lúc chiết khấu tới 50%, để hút khách ở khu vực châu Á, bù đắp cho việc mất khách hàng phương Tây sau khi bị áp trừng phạt.

Động thái cắt giảm sản lượng dầu của Nga được công bố bởi Phó thủ tướng Alexander Novak - người phụ trách vấn đề năng lượng trong Chính phủ Nga. Tuyên bố cứng rắn mà ông Novak đưa ra trước các nhà báo một lần nữa khẳng định quan điểm của các nhà lãnh đạo nước này là “chúng tôi sẽ không bán dầu cho những ai trực tiếp hay gián tiếp tuân thủ các nguyên tắc trần giá” mà phương Tây áp đặt.

NGA ĐANG LO LẮNG VÀ MUỐN GIỮ THỂ DIỆN?

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng có vẻ như Nga – sau khi giữ vững được sản lượng khai thác dầu một cách đáng ngạc nhiên trong những tháng gần đây – đã bắt đầu lo ngại về sự mất mát doanh thu do các biện pháp hạn chế mà phương Tây đặt ra đối với giao dịch dầu lửa Nga. Trong số các biện pháp này, có mức trần giá 60 USD/thùng dầu Nga áp dụng từ tháng 12 năm ngoái. Theo hãng tin CNN, ở thời điểm ngày thứ Sáu vừa rồi, dầu Urals được giao dịch với giá thấp hơn 28 USD/thùng với với giá dầu Brent.

 

“Nếu Nga buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, họ sẽ hành động và cố gắng tạo ra một ấn tượng rằng họ chọn cách làm như vậy hoặc đang ở thế kiểm soát tình hình, thay vì để bị coi là buộc phải hành động như vậy vì các biện pháp của phương Tây”.

Ông Richard Bronze, trưởng bộ phận địa chính trị của công ty nghiên cứu Energy Aspects

“Có lẽ, Nga đang cảm thấy rằng ngày càng có nhiều nước bắt đầu tìm cách sử dụng cơ chế trần giá”, nhà phân tích Felix Todd của công ty dữ liệu Argus Media phát biểu.

Ngoài ra, cũng có thể Nga đang tìm giải pháp tốt nhất cho một tình huống xấu – theo các nhà phân tích.

“Nếu Nga buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, họ sẽ hành động và cố gắng tạo ra một ấn tượng rằng họ chọn cách làm như vậy hoặc đang ở thế kiểm soát tình hình, thay vì để bị coi là buộc phải hành động như vậy vì các biện pháp của phương Tây”, theo ông Richard Bronze, trưởng bộ phận địa chính trị của công ty nghiên cứu Energy Aspects.

Phó thủ tướng Novak nói rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ “đóng góp vào việc thiết lập lại các mối quan hệ thị trường”. Ông cũng tỏ ra phản bác ý kiến rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm khách mua dầu. “Ngày hôm nay, chúng tôi bán hết toàn bộ số dầu sản xuất ra”, thông tấn Nga Interfax dẫn lời ông Novak.

Trong vòng 5 năm qua, Nga cùng với Saudi Arabia giữ vai trò thủ lĩnh không chính thức của OPEC+, liên minh được lập ra giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối nhằm điều tiết thị trường dầu lửa toàn cầu. Nếu Nga thực sự giảm sản lượng, số dầu mà nước này sản xuất ra có thể sẽ ít hơn tới 1 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch mà Nga được phân bổ trong OPEC+, vì sản lượng hiện tại của Nga vốn dĩ đã ít hơn 500.000 thùng/ngày so với hạn ngạch. Còn trên phạm vi thị trường toàn cầu, nửa triệu thùng dầu mỗi ngày mà Nga tuyên bố giảm sản lượng tương đương khoảng 0,5% tổng sản lượng dầu thế giới.

Tuần trước, OPEC+ tuyên bố giữ nguyên kế hoạch giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày mỗi tháng trong thời gian còn lại của năm nay. Các nhà phân tích cho rằng việc Nga tuyên bố giảm sản lượng sẽ không dẫn tới bất kỳ thay đổi nào trong lập trường của OPEC+.

Trong những tuần gần dây, nguồn cung dầu Nga trở nên dồi dào, tạo điều kiện cho khách mua được hưởng mức chiết khấu lên tới 40 USD/thùng đối với dầu Urals - loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga, theo dữ liệu từ Argus Media. Bằng cách giảm sản lượng, Nga có thể sẽ đẩy giá bán dầu lên. Nếu lượng dần Nga cung cấp ra thị trường ít đi, khách mua sẽ ít “ép giá” hơn.

“Lượng dầu Nga dư thừa là lớn, nên Nga phải giảm mạnh giá bán dầu để thu hút lực cầu”, nhà nghiên cứu Craig Kennedy thuộc Davis Center for Rusian and Eurasian Studies thuộc Đại học Harvard nhận định.

THẾ GIỚI TRƯỚC NGUY CƠ THIẾU DẦU

Chuyên gia Todd của Argus cho biết ngay sau tuyên bố giảm sản lượng dầu mà Phó thủ tướng Nga đưa ra, mức chiết khấu đối với dầu Urals đã giảm bớt 1 USD/thùng.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, sản lượng dầu Nga đã được giữ vững tốt hơn nhiều so với những gì mà giới phân tích dự báo trước đó. Dầu Nga đã tìm được thị trường ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi khác để bù lại sự mất mát các khách hàng chủ chốt ở châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu thu về ít tiền hơn so với trước từ việc bán dầu. Cuối năm ngoái, điện Kremlin thừa nhận rằng doanh thu từ dầu lửa - phần chủ lực trong ngân sách nước này - sẽ trở nên “khó đoán định hơn”.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cộng thêm chi phí chiến tranh, đang đặt gánh nặng lên nền kinh tế Nga. Thâm hụt ngân sách Chính phủ Nga năm 2022 là 45 tỷ USD, tương đương 2,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuyên bố sau cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất vào hôm thứ Sáu vừa rồi của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nói rằng các biện pháp trừng phạt áp lên dầu Nga đã làm gia tăng mức độ bấp bênh trong dự báo kinh tế. “Sau khi trần giá dầu được thực thi, giá xuất khẩu dầu Nga đã có nhiều thay đổi tuỳ thuộc vào loại dầu và điểm đến”, tuyên bố có đoạn viết. Tuy nhiên, CBR giữ nguyên lãi suất ở mức 7,5%, nói rằng các hoạt động kinh tế của nước này đang tốt hơn so với dự báo và lạm phát có thể giảm trong năm nay.

Hồi tháng 12, EU chính thức triển khai lệnh cấm nhập khẩu dâu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Đồng thời, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) áp trần giá đối với dầu thô Nga bán cho các quốc gia khác. Tuần trước, EU bắt đầu thực thi lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm dầu tinh luyện như dầu diesel và xăng của Nga, và trần giá đối với các sản phẩm dầu Nga cũng bắt đầu có hiệu lực.

Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng.

Ở thời điểm hiện tại, giới phân tích đưa ra những nhận định trái ngược về ảnh hưởng của lệnh cấm vận và trần giá mới nhất đối với dầu Nga. Nhiều người cho rằng cũng giống như đối với dầu thô, Nga rốt cục cũng sẽ chuyển hướng được dòng chảy các sản phẩm dầu của nước này sang các thị trường mới. Nhưng cũng có nhiều người – như Phó chủ tịch Matthew J. Sagers của S&P Global - cho rằng rốt cục Nga sẽ không thể tìm được thị trường mới cho dầu của mình.

“Trong năm qua, Nga đã tương đối thành công trong việc chuyển hướng dầu thô khỏi châu Âu. Họ sẽ gặp khó khăn lớn hơn nhiều với tất cả những sản phẩm dầu tinh luyện mà họ xuất khẩu”, ông Sagers nói với New York Times.

Việc nguồn cung dầu giảm xuống đặt ra nguy cơ đẩy giá dầu tăng lên trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu lớn nhất thế giới - có thể tăng mạnh sau khi mở cửa trở lại.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày, đạt kỷ lục mọi thời đại 101,7 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong đó, IEA dự báo Trung Quốc chiếm gần một nửa lượng cầu tăng thêm.