Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ, giá dầu bật mạnh sau khi Nga tuyên bố giảm sản lượng
Nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm đợt tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các dữ liệu kinh tế và bình luận gần đây của các quan chức Fed...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/2), nhưng vẫn hoàn tất tuần giảm điểm mạnh nhất trong gần 2 tháng. Giá dầu thô tăng sau khi Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng nửa triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3, kết thúc một tuần tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&p 500 tăng 0,2%, đạt 4.090,46 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,61%, còn 11.718,12 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 169,39 điểm, tương đương tăng 0,5%, đạt 33.869,27 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,17%; S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,11% và 2,41%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 12.
Nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm đợt tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các dữ liệu kinh tế và bình luận gần đây của các quan chức Fed – theo nhà sáng lập Shana Sissel của Banrion Capital Management. Nhà quản lý quỹ này nói rằng những yếu tố đó gây tác động trực tiếp lên diễn biến giá cổ phiếu trong ngày, vì nhà đầu tư thay đổi vị thế trong lúc dự đoán về việc Fed sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào trong thời gian tới.
“Có một số tín hiệu trái chiều ở đây, và tôi nghĩ đó là lý do vì sao mức độ biến động tăng lên”, bà Sissel nói. “Không có một sự đồng nhất thực sự nào đến từ các chỉ số quan trọng nhất để nhà đầu tư có thể chắc chắn về những gì sắp xảy đến. Và thị trường ghét điều đó”.
Cổ phiếu ứng dụng gọi xe Lyft “bốc hơi” hơn 36% sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 gây thất vọng. Cổ phiếu Expedia cũng giảm hơn 8% vì doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Đây là những bản báo cáo tài chính mới nhất của một quý bị Phố Wall xem là kém hơn hơn thường lệ. Đến nay đã có gần 70% số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 4, và trong số đó khoảng 70% vượt kỳ vọng của giới phân tích. Đây là một tỷ lệ ít hơn so với mức bình quân 3 năm là 79% - theo dữ liệu của The Earnings Scout.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,24%, chốt ở 86,39 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,13%, đạt 79,72 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 8% và giá dầu WTI tăng hơn 8,6%.
Dầu tăng giá sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày - động thái diễn ra sau khi phương Tây áp đặt một loạt lệnh cấm lên dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga trong mấy tháng qua.
Mức cắt giảm sản lượng như vậy tương đương khoảng 5% sản lượng dầu thô mới nhất của Nga. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga sản xuất 9,77 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 12.
Ông Novak nói việc Nga giảm sản lượng dầu sẽ “giúp khôi phục lại quan hệ thị trường”. Ông cũng cho biết việc cắt giảm sản lượng không áp dụng đối với khí ngưng tụ và được trừ đi từ sản lượng thực tế của Nga chứ không phải mức hạn ngạch mà nước này được phân bổ trong OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 và lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu Nga đã có hiệu lực từ tuần này. Theo một chương trình của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), các quốc gia phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính và vận tải cho việc vận chuyển dầu Nga tới các quốc gia không thuộc G7, với điều kiện dầu đó được bán với giá thấp hơn giá trần do G7 đặt ra.
“Như đã nói trước đây, chúng tôi sẽ không bán dầu cho những ai trực tiếp hay gián tiếp tuân thủ nguyên tắc ‘trần giá’”, ông Novak phát biểu ngày thứ Sáu, và nói thêm rằng trần giá áp lên dầu Nga có thể dẫn tới tình trạng thiếu cung dầu và các sản phẩm dầu.
“Sản lượng dầu Nga giảm, cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến thị trường dầu lửa thắt chặt hơn nữa trong những quý tới đây”, chiến lược gia Giovanni Staunovo của UBS nhận định.