11:26 17/08/2024

Việt Nam mới chỉ vào được thị trường tín chỉ carbon giá thấp

Chu Khôi

Việt Nam mới chỉ bán được tín chỉ carbon trong thị trường tự nguyện, nên giá bán thấp, chỉ 5 USD/tín chỉ., do Việt Nam chưa có các ký kết song phương, nên chưa thể bán tín chỉ carbon ở thị trường bắt buộc – thị trường có giá bán lên đến vài trăm USD/tín chỉ…

Lợi ích của thị trường tín chỉ carbon rất lớn
Lợi ích của thị trường tín chỉ carbon rất lớn

Ngày 16/8/2024 tại TP.HCM, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp với Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức tọa đàm về Phát triển thị trường tín chỉ carbon.

TÍN CHỈ CARBON LÀ SẢN PHẨM PHI VẬT LÝ

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Trung Đông, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính sách công, cho biết vào năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.

Quang cảnh toạ đàm tại điểm cầu chính ở TP.HCM
Quang cảnh toạ đàm tại điểm cầu chính ở TP.HCM

Hiện Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Song song với đó, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được nhiều bên liên quan đặt vấn đề tìm hiểu.

Do đó, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn.

Ông Nguyễn Trung Đông: Nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn.
Ông Nguyễn Trung Đông: Nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn.

Ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam, cho hay Hội đồng và Nghị viện châu Âu đưa ra Quy định 2023/956 về cơ chế CBAM (Điều chỉnh carbon xuyên biên giới). CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam,  xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

 
 
Ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam
Ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam

“Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam,  xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp. Khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp”.

 

TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhấn mạnh: Mục tiêu của thị trường carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải chứ không phải là một ngành kinh tế mới. Nếu đi theo hướng đầu tư, môi giới là đang sai hướng.

“Tín chỉ carbon là sản phẩm phi vật lý, có tính thời lực, nếu đến thời điểm mà không bán được thì sản phẩm sẽ 'về hưu'. Do đó, khi làm theo hướng phát thải thấp, có công nghệ theo dõi dấu chân carbon, Việt Nam có thể công bố điều này trong sản phẩm, và nếu đó là phương pháp chuẩn đúng, khi châu Âu áp dụng CBAM, sản phẩm của chúng ta có thể chứng minh là đã làm đúng quy trình carbon thấp, không lo về việc bị đánh thuế bổ sung", ông Nghĩa phân tích.

VÌ SAO VIỆT NAM CHƯA BÁN ĐƯỢC TÍN CHỈ CARBON VỚI GIÁ CAO?

Theo TS. Trần Đại Nghĩa, có 3 nguồn tài chính chủ yếu cho tín chỉ carbon dựa trên các kết quả lâm nghiệp. Đó là, thanh toán dựa trên kết quả (như nhà tài trợ), thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ. Mỗi một hình thức lại có đặc điểm khác nhau.

Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện. Dạng này dễ tham gia nhất, nhưng sẽ có thời gian định mức đánh giá. Nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0. Thị trường bắt buộc không phải điều chỉnh hạn ngạch, trong khi thị trường tự nguyện lại điều chỉnh theo từng năm. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã từng bước nâng mức hạn ngạch này như một cách thể hiện trách nhiệm trong NDC.

TS. Trần Đại Nghĩa: Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá carbon nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.
TS. Trần Đại Nghĩa: Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá carbon nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.
 

"Việt Nam chưa thể tham gia thị trường bắt buộc (vốn có giá tín chỉ carbon cao hơn nhiều lần) vì thiếu nhiều yếu tố, trong đó có các ký kết song phương. Chúng ta chưa thể bán mỗi tín chỉ carbon với giá vài trăm USD".

TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Còn về thị trường bắt buộc, hiện nay Việt Nam chưa thể tham gia, dù đây là thị trường giao dịch chính của nhiều quốc gia, thông qua một số giao dịch. Ông Nghĩa cho rằng đây cũng là nội dung khiến nhiều bên liên quan lầm tưởng. Trong năm 2023, Việt Nam bán hơn 10 triệu tín chỉ, với giá 5 USD/tín chỉ. Nhiều người cho là thấp, khi so với thị trường giao dịch hạn ngạch. Nhưng “Việt Nam chưa thể tham gia thị trường này khi thiếu các ký kết song phương”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS Trần Đại Nghĩa cho hay để bán được tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mỗi quốc gia phải tạo ra lượng carbon dôi dư vượt mức NDC - cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia. Vấn đề quan trọng trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là phải định giá được carbon. Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá, nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành liên quan về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện lộ trình mới xây dựng đến năm 2028 nhưng chỉ áp dụng cho thị trường trong nước. Còn thị trường giao dịch quốc tế, một hình thức tương tự thị trường chứng khoán, còn bỏ ngỏ.

Cập nhật tiến độ về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho biết cập nhật tiến độ tính đến hết tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án. Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.