Ngành da giày Việt Nam cần chủ động trước đòi hỏi bắt buộc của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon nhất trong quá trình sản xuất, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước thách thức có tận dụng được các cơ hội và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay không, nhất là trong bối cảnh cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sắp có hiệu lực...
Được nhận định có nhiều lợi thế địa chính trị để đầu tư Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vốn đang chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu. Chúng ta còn được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc nhiều chuỗi cung ứng lớn trên thế giới.
Ngoài các lợi thế nói trên, Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lần thứ 4 tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Đây là những “cơ hội vàng” mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng cần phải chớp lấy để tái cơ cấu, phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững.
LUẬT CHƠI CBAM “THÁCH THỨC” DOANH NGHIỆP
Các thị trường nhập khẩu lớn của ngành da, giày và túi xách như EU, Hoa Kỳ đang đặt ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism-CBAM) của EU… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp ngành da giày phải nỗ lực không ngừng, liên tục đổi mới để đáp ứng các đòi hỏi của những thị trường "khó tính" nếu không muốn lùi lại phía sau hay rời khỏi “cuộc chơi”.
Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) là một cơ chế của EU nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia trong liên minh. CBAM điều chỉnh trực tiếp một loại thuế carbon sẽ được áp dụng cho một nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.
Lộ trình áp dụng của CBAM như sau:
Thời kỳ chuyển đổi áp dụng từ ngày 01/10/2023, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU bắt phải khai báo hàng quý khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa nhập khẩu với 6 nhóm sản phẩm bao gồm nhôm, sắt và thép, phân bón, xi măng, điện và hydro nhưng không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này.
Từ ngày 01/01/2026, CBAM chính thức có hiệu lực. Trong giai đoạn vận hành từ 2026-2034, trước ngày 31/5 hàng năm, nhà nhập khẩu vào EU phải khai báo về số lượng hàng hóa và lượng phát thải tích hợp trong những hàng hóa được nhập khẩu của năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. Trong giai đoạn này, EU sẽ dần dần loại bỏ việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Nếu không thực hiện giảm thải tương ứng các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ phải mua chứng chỉ CBAM. CBAM không phải là thuế, nhưng nó tạo ra các chi phí bổ sung để khuyến khích hoặc buộc doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất và giảm phát thải.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, bao gồm Việt Nam; trong đó ngành da giày được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Da giày cũng là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nằm trong “top” 5 ngành xuất khẩu chính của quốc gia và giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1643/QĐ-TTg về Chiến lược Phát triển ngành Dệt may và giày dép đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Quyết định này xác định da giày là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới.
KHÔNG THỂ ĐỨNG NGOÀI CUỘC CHƠI TOÀN CẦU
Phát triển xanh, xanh hóa ngành da giày là xu thế phát triển bền vững của thế giới trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm gia tăng sự nóng dần lên của trái đất. Riêng đối với Việt Nam thì đây còn là cơ hội khi Trung Quốc không còn là “công xưởng của thế giới”.
Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Đức Thuấn Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) tại hội nghị quốc tế ngành da giày lần thứ 41 diễn ra mới đây tại TP.HCM. Ông Thuấn khẳng định rằng doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0 cũng như xu thế áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo số liệu của LEFASO, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.
Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, ngành da giày và túi xách của Việt Nam vẫn đứng vững và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 24 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách của Việt Nam ước đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 25,5 - 27 tỷ USD, đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, có thể CBAM chưa áp dụng đồng loạt vào thời điểm hiện nay nhưng khả năng cao là sẽ xảy ra vào năm 2030. Và như vậy, chúng ta có 6 năm cho một hành trình từ tái cấu trúc toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng, từ nguyên-phụ liệu đầu vào, đổi mới quy trình vận hành, ứng dụng công nghệ mới (nano, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, quy định Net Zero,…), đến hoàn thiện sản phẩm đầu ra và xuất khẩu. Đây là khoảng thời gian không dài đòi hỏi doanh nghiệp phải khẩn trương bắt tay hành động ngay từ bây giờ.
NHỮNG KHUYẾN CÁO HỮU ÍCH
Một thống kê khác cũng của LEFASO thông tin về 6 khu vực/vùng kinh tế trong cả nước về năng lực sản xuất giày dép. Cụ thể: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, năng lực sản xuất giày dép là 1%; vùng đồng bằng sông Hồng 16%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ 3%; vùng Đông Nam Bộ 65%; vùng Tây Nguyên 0% và vùng đồng bằng sông Cửu Long 15%.
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) từ 8 - 8,5%/năm, là vùng phát triển năng động với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ cao, logistics và tài chính quốc tế; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi số. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành da giày tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…), nên được hưởng các lợi thế đổi mới từ quy hoạch quốc gia nói trên.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Latvia, Đan Mạch, cho biết dệt may và da giày là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Vì vậy các doanh nghiệp ngành này cần chú ý đến những thay đổi cùng đòi hỏi của thị trường. Ví dụ, các sản phẩm ngành dệt may, giày dép xuất khẩu vào Bắc Âu cần lưu ý đến các quy định về “Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu”, tại đây, người tiêu dùng không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, tiêu chuẩn Netzero và tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng. Để hàng hóa vào được các thị trường như EU các doanh nghiệp da giày sẽ phải khẩn trương hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu từ đó hướng tới phát triển bền vững.