07:00 05/05/2016

“Việt Nam nên sớm thực hiện kiểm toán chiến lược”

PGS.TS.Vũ Minh Khương

Kiểm toán chiến lược là một vấn đề rất quan trọng và có thể đem lại những giá trị đặc sắc

PGS.TS.Vũ Minh Khương.<br>
PGS.TS.Vũ Minh Khương.<br>
Kiểm toán chiến lược được cho là sẽ đem lại những giá trị đặc biệt về phát triển và cải biến sâu hơn về phương thức vận hành nền kinh tế trong thời gian tới. VnEconomy xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết với chủ đề “Việt Nam nên sớm thực hiện kiểm toán chiến lược” của PGS.TS.Vũ Minh Khương. Ông hiện đang làm việc tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) và đang cộng tác giảng dạy tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Công cuộc đổi mới 30 năm, khởi đầu từ năm 1986, đã đưa Việt Nam từ một nền kinh tế bao cấp, lạc hậu trở thành một nền kinh tế thị trường sống động với độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Việt Nam đã khai thác khá tốt lợi thế vị trí chiến lược, ổn định chính trị, và nguồn lực lao động dồi dào để đạt được những thành quả ẩn tượng này.

Tuy nhiên, bẫy thu nhập trung bình và mô hình phát triển thiếu bền vững hiện tại sẽ không chỉ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng mà còn làm tích tụ nguy cơ khủng hoảng nếu Việt Nam không có một điều chỉnh căn bản về chiến lược phát triển và cải biến sâu hơn về phương thức vận hành nền kinh tế trong thời gian tới.

Chính phủ mới - do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu, trong cuộc gặp các doanh nghiệp hôm 29/4 vừa qua đã thể hiện sự đồng cảm đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm cao trong nỗ lực đổi mới.  

Tuy nhiên, các nỗ lực này sẽ chỉ mang lại kết quả mong đợi nếu được định hướng và phối hợp chặt chẽ bởi một khung thức chiến lược có hiệu lực và thống nhất cao. Kiểm toán chiến lược là một bước đi then chốt giúp tạo nên khung thức chiến lược này.

Do vậy, tiến hành kiểm toán chiến lược cần là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Kiểm toán chiến lược là gì?

Kiểm toán chiến lược có thể hiểu là một qui trình đánh giá toàn diện và sâu sắc các khía cạnh chiến lược trong nỗ lực phát triển của một quốc gia, địa phương, ngành công nghiệp, hay một doanh nghiệp.
 
Mục tiêu của kiểm toán chiến lược là thấu hiểu thực lực, lợi thế, và hạn chế của nền kinh tế trong mô hình tăng trưởng hiện tại trước các cơ hội, thách thức, và xu thế toàn cầu. Từ đó đưa ra các khuyến nghị về các hướng đi chiến lược, chương trình cải cách, và sáng kiến hành động nhằm tạo ra những chuyển biến bước ngoặt, làm tăng tốc mạnh mẽ công cuộc phát triển.

Kiểm toán chiến lược đặc biệt có ý nghĩa khi lãnh đạo có một tầm nhìn và ý chí chiến lược rõ ràng với một mục tiêu phát triển cao cho một giai đoạn dài.

Kiểm toán chiến lược thường tập trung vào ba lĩnh vực chủ đạo: sức cạnh tranh và tăng trưởng của nền kinh tế (đặc biệt là năng suất và hiệu quả); tính bền vững của phát triển (đặc biệt là môi trường); và lợi ích đem lại (đặc biệt là mức sống, niềm tin, và sự cảm nhận về công bằng xã hội của người dân).
 
Tại sao cần kiểm toán chiến lược?

Kiểm toán chiến lược đem lại những giá trị đặc biệt bởi bốn lý do sau.

Thứ nhất, sự thay đổi nhanh chóng của cả môi trường khách quan và điều kiện nội tại của nền kinh tế thường làm mô hình tăng trưởng trở nên lạc hậu sau một thời gian nhất định.

Mô hình tăng trưởng lạc hậu không chỉ làm thấp đi hiệu quả của nền kinh tế mà còn tích tụ những rủi ro có thể gây nên khủng hoảng khi nền kinh tế gặp phải những cú sốc từ bên ngoài.

Kiểm toán chiến lược giúp mỗi quốc gia cũng như doanh nghiệp điều chỉnh đúng lúc mô hình tăng trưởng để kịp thời thích ứng với đổi thay.

Thứ hai, kiểm toán chiến lược giúp lãnh đạo chính quyền cũng như doanh nghiệp tránh được sự bùng phát của các yếu tố triết giảm thường phát sinh từ một thời kỳ tăng trưởng nhanh.

Chẳng hạn, vị thế thuận lợi thường làm giảm mức độ sâu sắc của tư duy và tầm nhìn. Nguồn lực dồi dào thường làm giảm sút ý thức học hỏi và cầu hiền tài; cơ hội phong phú dễ dẫn đến những lựa chọn thiếu sáng suốt.

Thứ ba, kiểm toán chiến lược tạo một diễn đàn quan trọng khai thác trí tuệ xã hội, đặc biệt từ giới doanh nghiệp và chuyên gia, cho hoạch định chiến lược phát triển. Các thảo luận rộng khắp và sâu sắc trong diễn đàn này cũng giúp tạo nên sự đồng thuận và tinh thần hợp tác cao trong toàn xã hội, đặc biệt là giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, và giới chuyên gia, cũng như giữa các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế.

Thứ tư, kiểm toán chiến lược giúp chỉ ra những hướng đi chiến lược và giải pháp khả thi, làm nền tảng đặc biệt giá trị cho hoạch định chính sách và triển khai các chương trình hành động.

Kiểm toán chiến lược sẽ cho thấy rằng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ hiệu quả hơn nếu nó đặt trong chiến lược tổng thể giúp nền kinh tế có bước tiến vượt bậc.

Thiếu kiểm toán chiến lược, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đơn lẻ, thiếu tầm chiến lược, sẽ chỉ đem lại các kết quả hạn chế.

Nó có thể ví như việc tưới nước, bón phân theo chỉ thị có thể giúp vườn cây xanh tốt hơn trong khoảng thời gian nhất định, nhưng không đảm bảo tạo nên một hệ sinh thái dồi dào sức sống và mùa hoa trái bội thu.

Cũng như vậy, kiểm toán chiến lược có thể giúp Chính phủ thấy rõ hơn tính quan trọng và cấp bách trong giúp các doanh nghiệp “kiến nghiệp”. Nghĩa là làm sao các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn nhanh hơn, tăng năng suất lao động mạnh mẽ hơn, và có sức cạnh tranh toàn cầu cao hơn.

“Khởi nghiệp” là một nỗ lực quý cần được đặc biệt hỗ trợ. Thế nhưng coi đây là nội dung trọng tâm hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp có lẽ không phải là một lựa chọn đúng.

Cũng qua kiểm toán chiến lược, chúng ta có thể nhận thấy vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không chỉ cấp bách cho Vũng Áng mà cho tất cả các khu công nghiệp và các dự án đầu tư lớn.

Từ đó chúng ta sẽ thấy cần áp dụng mạnh mẽ hơn kinh nghiệm quốc tế (chẳng hạn buộc tất cả các nguồn nước thải phải thu gom về trạm trung chuyển có sự giám sát quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý môi trường và thiết lập các trạm quan trắc với thông tin công khai hàng ngày về chất lượng khí và nước ở tất cả các địa điểm có nguy cơ ô nhiễm).
 
Tiến hành kiểm toán chiến lược: Một ví dụ khởi đầu

Kiểm toán chiến lược thường là nỗ lực hợp tác sâu rộng giữa chính phủ, doanh nghiệp, giới chuyên gia, và các tổ chức xã hội. Nó đòi hỏi tổ chức hàng trăm cuộc thảo luận với thời gian kéo dài khoảng 6 tháng.
 
Hội đồng kiểm toán chiến lược và các tiểu ban của nó có thể bao gồm đại diện lãnh đạo chính phủ và bộ ngành cùng đại diện giới doanh nghiệp, chuyên gia, và các tổ chức xã hội.

Kiểm toán chiến lược là một vấn đề rất quan trọng và có thể đem lại những giá trị đặc sắc. Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ, việc đi đến quyết định tiến hành kiểm toán chiến lược ở Việt Nam có lẽ còn cần nhiều tranh luận và thời gian.
 
Để gợi ra những ý tưởng bước đầu cho thảo luận, người viết bài này xin đề cập đến một nội dung chắc chắn sẽ phải bàn đến một khi kiểm toán chiến lược được thực hiện: đó là xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam.

Xuất khẩu dịch vụ là một chỉ số đặc biệt quan trọng về thực lực cạnh tranh, đẳng cấp nguồn nhân lực, và khả năng nắm bắt cơ hội của nền kinh tế tri thức mà các nước muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đều cần đặc biệt quan trọng.

Vì vậy, hiểu rõ hơn kết quả hoạt động và thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong nỗ lực vươn lên trong lĩnh vực này cần là một nội dung quan trọng của kiểm toán chiến lược.

“Việt Nam nên sớm thực hiện kiểm toán chiến lược” 1
Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong tương quan với khối ASEAN, 2005-2014 - Nguồn: ASEANstats. Chú thích: Năm 2014, Việt Nam có 91 triệu dân và GDP là 186 tỷ USD. Trong nền kinh tế ASEAN, Việt Nam chiếm tỷ trọng 14,6% về dân số và 7,4% về GDP.

Bảng tổng hợp số liệu về xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong tương quan với khối ASEAN trong thời gian 10 năm qua (2005-2014) cho thấy một số vấn đề rất đáng suy nghĩ.

Thứ nhất, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong thời kỳ 2005-2014 tuy tăng khá ngang bằng với toàn khối ASEAN (11,3% so với 11,6%) nhưng tỷ trọng của Việt Nam so với ASEAN vào năm 2014 vẫn còn rất thấp trên chỉ số này (3,6%) so với tỷ trọng về dân số (14,6%) và GDP (7,4%).

Thứ hai, xuất khẩu dịch vụ từ hai lĩnh vực đặc biệt giá trị là dịch vụ tài chính và quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đều có tăng trưởng âm (-2,5% cho dịch vụ tài chính; -25% cho quyền sở hữu trí tuệ). Trong khi mức tăng này của toàn khối ASEAN trong cùng thời kỳ rất cao (16,5% cho dịch vụ tài chính; 16,8% cho quyền sở hữu trí tuệ).

Hơn thế nữa, khoản thu 3 triệu USD từ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam vào năm 2014, chỉ chiếm 0,1% của khối ASEAN, là quá nhỏ bé so với tiềm năng.

Thứ ba, chúng ta nói khá nhiều về thế mạnh đặc biệt của Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin. Thế nhưng tăng trưởng về xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của nước ta là 7,8%, chỉ bằng phân nửa mức tăng của toàn khối ASEAN (14,6%).

Thêm nữa, Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng 3% trong tổng xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của ASEAN, thấp hơn nhiều với ngành du lịch (6,8%), là ngành mà Việt Nam còn đang cần nhiều cải cách để vượt lên.

Thay cho lời kết

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch BIDV, trong cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp hôm 29/4 có đưa ra một đề xuất hay thông qua ước muốn công cuộc phát triển kinh tế ở nước ta “sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước”.

Với ví von này, kiểm toán chiến lược có thể coi là một dịp tập luyện cần thiết để mọi thành viên thuộc vai, nhuần nhuyễn bản nhạc, và tạo nên cảm xúc gắn bó. Nếu không có kiểm toán chiến lược, hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là điều khó tránh khỏi.

Đây cũng là điều được thấy trong cung cách quản lý kinh tế ở nước ta hiện nay.

Nếu điều này cứ tiếp tục diễn ra, Việt Nam có thể sẽ không chỉ mất đi cơ hội phát triển vô giá mà còn chịu nhiều tổn thất lâu dài, dù cố gắng đến đâu cũng không thể hồi phục.